Theo Nghị định 69, trường hợp người bị thu hồi đất không đủ tiền để vào khu tái định cư sẽ chấm dứt. Trong ảnh: Xây dựng khu nhà tái định cư ở quận 2 (TP.HCM). ảnh minh họa: HTD |
Nếu tiền bồi thường không đủ để mua suất tái định cư tối thiểu thì ngân sách sẽ hỗ trợ khoản tiền chênh lệch đó cho người dân.
“Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng... thời gian qua có nhiều vướng mắc. Nghị định 69 sẽ tháo gỡ được những vướng mắc này”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Văn Đức khẳng định trong buổi họp báo liên quan Nghị định 69 do Chính phủ mới ban hành. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2009.
Tách bạch giữa bồi thường và hỗ trợ
Theo Bộ TN&MT, quy định hiện hành chưa quy định tách bạch giữa bồi thường và hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi. Người dân thường có tâm lý cho rằng việc bồi thường của nhà nước là chưa thỏa đáng.
Để khắc phục bất cập này, Nghị định 69 đã tách bạch hẳn bồi thường và hỗ trợ. Điểm nổi bật trong nghị định là người dân bị thu hồi đất được hỗ trợ nhiều hơn so với quy định cũ. “Các loại hỗ trợ được xác định trên cơ sở nhà nước điều tiết phần lợi ích từ việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho người bị thu hồi đất” - Bộ TN&MT lý giải. “Mức bồi thường không thay đổi so với trước, chỉ thay đổi nhiều về mức hỗ trợ, nhất là mức hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm” - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ cho biết.
Phải có nhiều hạng nhà tái định cư
Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về đa dạng loại nhà ở, mức đất ở trong khu tái định cư. Nhiều trường hợp người bị thu hồi đất không đủ tiền để vào khu tái định cư. Mặt khác, hiện chưa có quy định về suất tái định cư tối thiểu cũng như việc nhà nước hỗ trợ khoản tiền chênh lệch đối với trường hợp người được tái định cư phải chi trả (nhưng không có khả năng chi trả) để có được suất tái định cư tối thiểu.
Nghị định 69 đã chỉnh sửa khiếm khuyết trên. Theo đó, địa phương phải đa dạng loại nhà ở tái định cư, bố trí nhiều mức đất ở khu tái định cư, có suất tái định cư tối thiểu cho phù hợp với nhu cầu, khả năng, tập quán sinh hoạt của người có đất bị thu hồi. Nếu tiền bồi thường không đủ để mua suất tái định cư tối thiểu thì ngân sách sẽ hỗ trợ khoản tiền chênh lệch đó cho người dân.
Tính trước phương án bồi thường
Theo quy định hiện hành, trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất bao gồm 11 bước. Một số bước chưa phù hợp với thực tế như yêu cầu chuẩn bị hồ sơ địa chính cho khu đất bị thu hồi, trong đó chưa xác định rõ mốc giới của khu đất bị thu hồi. Việc thu hồi đất mà chưa bàn giao ngay cho chủ đầu tư quản lý sẽ dẫn đến tình trạng đất bị tái lấn chiếm, bị xê dịch mốc giới... Chưa có sự kết hợp giữa các thủ tục đầu tư, xây dựng và thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nghị định 69 quy định lồng ghép ba loại thủ tục đầu tư, xây dựng và đất đai để thống nhất một đầu mối, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng. Khi giới thiệu địa điểm và thông báo thu hồi đất, nhà nước sẽ đồng thời cho phép nhà đầu tư vào khảo sát, đo đạc bản đồ khu vực dự án để phục vụ việc lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Sẽ thành lập hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc giao nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng cho tổ chức phát triển quỹ đất. Trong dự án đầu tư phải thể hiện cả phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
“Quy định mới không chỉ người dân có lợi mà nhà đầu tư cũng có lợi. Thời gian làm thủ tục đầu tư được rút ngắn hơn. Như vậy việc thực hiện dự án cũng sẽ tốt hơn” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển nói.
Mở rộng quyền cho tổ chức phát triển quỹ đất
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, một trong những điểm mới đáng chú ý trong Nghị định 69 là quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương từ cấp tỉnh xuống cấp huyện. Theo quy định cũ, tổ chức này chỉ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rồi để đất đấy. Theo quy định mới, tổ chức phát triển quỹ đất làm rất nhiều việc, trong đó có cả việc tái định cư. Đất sạch sẽ được tổ chức này mang ra đấu giá, tránh tình trạng xin-cho. Tổ chức phát triển quỹ đất có thể thuê doanh nghiệp đứng ra giải phóng mặt bằng.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP