Chiều 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 với đa số tán thành. Theo đó, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) vẫn chỉ nằm trong chương trình chuẩn bị.
Mặc dù trước đó, tại phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, đề nghị xuyên suốt, quyết liệt của các đại biểu Quốc hội là phải đưa hai dự luật này vào chương trình chính thức.
Trước khi các vị đại biểu nhấn nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình lý do lùi thời hạn sửa Luật Đất đai. Đó là, trong quá trình chuẩn bị, Chính phủ nhận thấy còn nhiều vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như quy định về thời hạn sử dụng đất, quy hoạch đất đai, tiền sử dụng đất, hạn điền, tài chính về đất đai, giá đất... cần có thêm thời gian tổng kết chuẩn bị sửa đổi, một cách toàn diện.
Với dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) trong quá trình chuẩn bị đã phát sinh một số vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá thận trọng như tổ chức, phân cấp quản lý ngân sách như thế nào cho phù hợp; xác định thẩm quyền của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở một số quận, huyện, phường... Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ dự án này trong chương trình chuẩn bị.
Nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, song dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được tiếp tục chuẩn bị “và trình Quốc hội vào thời gian thích hợp”. Vì, “đây là lĩnh vực phức tạp, còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết”.
Một dự luật sẽ "được trình vào thời gian thích hợp" nữa là dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế.
Sau khi xem xét ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp, cho sinh viên, cho người lao động tại các khu công nghiệp là chính sách lâu dài, đòi hỏi sự đồng bộ, nhất quán với các chính sách xã hội khác và phải được điều chỉnh đúng trọng tâm để những hỗ trợ từ Nhà nước thực sự đến được với người dân. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho rút dự án luật này khỏi chương trình kỳ họp thứ 5 để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội vào thời gian thích hợp.
Như vậy, chương trình chính thức năm 2010 gồm: 31 dự án luật (thông qua 22 dự án, cho ý kiến 9 dự án), 01 dự án pháp lệnh; chương trình chuẩn bị gồm 20 dự án luật.
Quốc hội cũng thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 12 (2007-2011) các dự án Luật Thủ đô và Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Nghị quyết này cũng nêu rõ, việc điều chỉnh chương trình chỉ được tiến hành trong trường hợp thật cần thiết và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo chương trình đã được thông qua, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 12 dự án luật: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Thuế nhà, đất; Luật Nuôi con nuôi ; Luật Thi hành án hình sự; Luật Trọng tài thương mại; Luật Biển Việt Nam; Luật Bưu chính; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật An toàn thực phẩm; Luật Người tàn tật.
10 dự án luật sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8 là: Luật Thuế bảo vệ môi trường; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hợp tác xã; Luật Thanh tra (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Viên chức; Bộ luật Lao động (sửa đổi, bao gồm cả vấn đề tiền lương tối thiểu và vấn đề việc làm); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ; Luật Khoáng sản (sửa đổi).
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy