Sáng 12-8, tại thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã diễn ra lễ công bố quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo đó, cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích hơn 5.000ha, ảnh hưởng đến các xã Long Phước, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu, Bàu Cạn (huyện Long Thành) và xã Cẩm Đường (huyện Cẩm Mỹ).
Thi công xây dựng công trình cầu cạn trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua quận 9, TP.HCM để phục vụ việc lưu thông từ TP.HCM đi cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngược lại |
Phối cảnh mặt nhà ga phía sân đậu máy bay (ảnh nhỏ) - Ảnh: N.C.T.
|
Sơ đồ những con đường dẫn đến sân bay Long Thành - Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
Theo quy hoạch, sân bay Long Thành nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 40km theo hướng đông bắc, cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 43km, cách Vũng Tàu 70km theo hướng tây bắc. |
Xây dựng nhiều đường đến sân bay Long Thành
Theo quy hoạch, cảng hàng không quốc tế Long Thành có phía đầu tây nam nối trực tiếp vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (chuẩn bị khởi công), đi về đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ở phía đông bắc nối với đường vành đai 4 (cung đường nối TP.HCM về huyện Long Thành).
Tại khu quy hoạch này còn có tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang và tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành kết nối ngầm với cảng hàng không quốc tế Long Thành tại phía trục chính trước mặt nhà ga hành khách.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai) dài 55km đã được khởi công vào tháng 10-2009. Theo ông Trần Xuân Sanh - tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN, mục tiêu xây dựng tuyến đường cao tốc này nhằm kết nối với quốc lộ 51 và sân bay quốc tế Long Thành và kết nối với dự án đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt.
Chính sự hình thành của tuyến đường cao tốc này sẽ thúc đẩy sớm sự ra đời của cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo kế hoạch, tuyến đường cao tốc trên sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng đã triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu) nhằm kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hướng đến sân bay Long Thành.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN - chủ đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 68,6km, dự kiến dự án sẽ khởi công trong năm 2013. Trên tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ xây dựng 12 nút giao thông, trong đó xây dựng nút giao thông nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, một nút giao thông nối vào sân bay Long Thành và nút giao thông nối với đường cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch (Long An - TP.HCM - Đồng Nai).
Để hành khách từ sân bay quốc tế Long Thành đi về các tỉnh miền Tây bằng đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km và dự kiến công trình sẽ được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2012 đến năm 2017.
Bên cạnh các tuyến đường cao tốc nối đến sân bay quốc tế Long Thành, mới đây Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 3 (dài 89,3km) và 4 (dài 197,6km) đi qua năm tỉnh và TP gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong đó, đường vành đai 3 kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM, Long An và Tiền Giang), còn vành đai 4 kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Như vậy, đi từ sân bay quốc tế Long Thành ra các đường cao tốc đến các đường vành đai sẽ có nhiều hướng đi về các địa phương.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng, sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang và tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành nhằm kết nối với sân bay quốc tế Long Thành tại phía trục chính trước mặt nhà ga hành khách có chiều dài 30km.
Theo tiến sĩ Trần Xuân Dũng - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế giao thông vận tải phía Nam, cần sớm xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn ở vùng Đông Nam bộ, nhất là khu vực tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ