Đây là một trong những mục tiêu mà Bộ Xây dựng đặt ra tại Tờ trình Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tạo mối liên kết phát triển với Vùng Hà Nội
Theo Tờ trình này, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đô thị đến 2050 trong mối liên kết phát triển của Thủ đô Hà Nội với Vùng Hà Nội và các vùng địa lý - kinh tế Bắc bộ và trong cả nước để đạt những tiêu chí của một Thủ đô phát triển bền vững với nền kinh tế phát triển, môi trường sống, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao, môi trường làm việc và đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Quan điểm của Bộ Xây dựng là quy hoạch phải nâng cao vai trò vị thế, tính cạnh tranh của Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô của một nước có trên 100 triệu dân ở đầu thế kỷ này. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị hoạt động có hiệu quả, bền vững, trong xu hướng toàn cầu hoá, hội nhập và nền kinh tế thị trường, phát triển các lĩnh vực dịch vụ cao cấp đáp ứng không chỉ cho dân cư Thủ đô mà còn đáp ứng cho du khách, nhà đầu tư nước ngoài và trong cả nước. Xây dựng hình ảnh của Hà Nội, một Thủ đô có lịch sử, văn hoá truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng phát triển và bảo tồn được sự riêng biệt. Thực hiện các chủ trương chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của quốc gia và Thủ đô.
Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý xây dựng và triển khai tiếp công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch. Tạo cơ hội thuận lợi cho các chương trình phát triển, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực đảm bảo phát triển bền vững lâu dài.
Hài hoà với thiên nhiên và phát triển bền vững
Trên cơ sở Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, tư vấn cần đưa ra mô hình tổ chức không gian Thủ đô Hà Nội phù hợp, hài hoà với thiên nhiên và phát triển bền vững. Đề xuất các mô hình phát triển không gian Thủ đô Hà Nội nhằm đảm bảo trong những năm tới sẽ hình thành đô thị trung tâm và các đô thị trên địa bàn được gắn kết với nhau bằng các kết nối nhanh thông qua hệ thống giao thông, viễn thông và các hạ tầng kỹ thuật khác. Xác định vai trò, vị trí, ranh giới đô thị trong mạng lưới, khoảng cách ly giữa các đô thị là khoảng không gian đệm gắn vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp, không gian văn hóa, giải trí…
Đề xuất mối liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với các đô thị đối trọng, các đô thị lớn khác trong Vùng Thủ đô như các TP: Hải Dương, Bắc Ninh, Hoà Bình, Vĩnh Yên, Phủ Lý… Đề xuất mô hình tổ chức không gian Vùng đô thị cũ hiện hữu - vùng đô thị bảo tồn, có tính lịch sử - văn hoá truyền thống, chủ yếu cải tạo chỉnh trang và hoàn chỉnh cảnh quan đô thị, xây dựng các trung tâm tài chính, thương mại hiện đại, đẳng cấp quốc tế, cải tạo và dãn dần dân cư tại các khu nhà thấp tầng - thiếu tiện nghi ra khu vực xung quanh trong các chương trình nhà ở xã hội và phát triển các khu đô thị mới nhằm cải thiện môi trường đô thị khu vực trung tâm thực sự là hình ảnh tiêu biểu của Thủ đô.
Đề xuất mô hình tổ chức không gian Vùng phát triển mở rộng đến vùng thoát lũ sông Đáy, vùng dãn dân cho trung tâm, khu vực phát triển các khu đô thị xen kẽ với không gian mở - kết hợp công viên, vành đai xanh và công viên rừng. Đề xuất các trung tâm đô thị mới có chức năng và hình thái riêng biệt xung quanh đô thị trung tâm để giảm tải và tăng cường các chức năng mới cho Thủ đô Hà Nội. Đề xuất quy hoạch và khai thác không gian ngầm dưới mặt đất của đô thị trung tâm và các đô thị khác trên địa bàn, cần lồng ghép hợp lý với đề xuất quy hoạch hệ thống giao thông ngầm của Thủ đô.
Lựa chọn, phân bố các vùng không gian, vành đai chức năng dựa trên các yếu tố tự nhiên đặc trưng nhất về đô thị, cảnh quan sinh thái, cây xanh vùng đệm, dọc các sông, ngòi, hồ lớn… Xác định các vành đai nông nghiệp - nông thôn, vùng ngoại thị giữa các khu vực phát triển tập trung như: khu vực trồng rau xanh/hoa - quả cao cấp, các vành đai nông nghiệp xen kẽ các đô thị vệ tinh, các làng xã nông thôn, vùng bảo vệ đất nông nghiệp. Cải tạo, bảo tồn tôn tạo đô thị cũ, nâng cao các giá trị văn hoá, lịch sử và bản sắc đô thị. Lựa chọn và bảo tồn một số khu vực làng nghề đặc trưng trong vùng nông nghiệp gắn các di tích kiến trúc lịch sử và vùng cảnh quan.
Bên cạnh đó, xác định hệ thống trung tâm bao gồm: Trung tâm hành chính quốc gia, trung tâm văn hoá - lịch sử, Đào tạo- công nghệ cao, Y tế - chăm sóc sức khoẻ, Thể dục thể thao, Hội chợ triển lãm, Du lịch - dịch vụ, đô thị cổ bảo tồn... Xác định nguồn quỹ đất xây dựng để đề xuất giới hạn đô thị và các giải pháp sử dụng đất hiệu quả: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội phải xác định được giới hạn vùng phát triển đô thị và xác định vùng không phát triển xây dựng đô thị để giữ lại các khu vực rừng, mặt nước và vùng công viên mở cũng như các vùng nông nghiệp khác. Đề xuất quy hoạch sử dụng đất hợp lý, hiệu quả theo hướng tập trung các đô thị, vùng công nghiệp, các khu đại học, vui chơi giải trí - du lịch và các trung tâm thương mại; không phát triển các khu đô thị mới nhỏ lẻ, bám trục đường và các khu công nghiệp phân tán, sử dụng đất kém hiệu quả…
Ngoài ra, nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đề cập đến việc đề xuất các giải pháp quy hoạch đối với từng khu vực chức năng. Định hướng phát triển các trung tâm chính của Thủ đô Hà Nội. Định hướng sử dụng đất đai đến năm 2030. Định hướng xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật đến năm 2050. Các vấn đề liên quan đến bảo tồn và di sản kiến trúc. Quy hoạch xây dựng ngắn hạn và chương trình, dự án ưu tiên đầu tư. Quản lý quy hoạch...
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng