Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tháng 2-2013 Hà Nội đã khởi công xây dựng cầu vượt tại nút giao cắt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân. Như vậy, cây cầu dành cho khách bộ hành trên đường Trần Khát Chân phải tháo dỡ dù mới được đưa vào sử dụng. Dự kiến phần thân của cây cầu dành cho khách bộ hành này sẽ được dùng lại, lắp tại đường Giải Phóng.
Tương tự, việc xây dựng cầu vượt tại nút giao cắt Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai cũng sẽ khiến cho cây cầu vượt dành cho người đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh bị vô hiệu hóa công năng sử dụng, dẫn đến phải tháo dỡ, lắp đặt lại, cách vị trí cũ khoảng 100m.
Một chuyện khác không kém tính thời sự, cầu vượt dầm thép Láng Hạ - Thái Hà đưa vào sử dụng từ tháng 4-2012, nay sẽ được gia cường khả năng chịu lực để phục vụ xe buýt vận chuyển nhanh (BTR) tuyến Yên Nghĩa - Ba La đi qua.
Tất cả những chuyện trên không chỉ có vậy, đằng sau từng sự việc là sự lãng phí nhiều tỷ đồng khiến cho dư luận đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm về số tiền lãng phí này?
Đầu tư xây dựng những chiếc cầu bộ hành tại Hà Nội không phải là việc làm tự phát. Hơn ba năm trước, chúng ta đã bỏ ra 234 tỷ đồng để xây dựng 18 cây cầu vượt bộ hành nằm trên các tuyến đường Chùa Bộc, Láng Hạ, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Liễu Giai, Tây Sơn, Hoàng Quốc Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng… Mục tiêu của dự án là tăng cường an toàn trên các tuyến đường, hạn chế tai nạn giao thông cho người đi bộ và cải thiện giao thông dọc các tuyến đường chính trong hệ thống trục đường đô thị tại Hà Nội. Tuy nhiên, không hiểu các nhà quy hoạch "đại tài" tính toán ra sao mà không ít cây cầu bộ hành vắng người qua lại vì đặt không đúng chỗ, thậm chí trở thành nơi diễn ra tệ nạn xã hội. Bi thảm hơn, tới giờ có những cây cầu phải tháo dỡ nhường chỗ cho việc xây dựng cầu vượt dành cho xe cơ giới.
Điểm lại để thấy rằng tầm nhìn, tư duy quy hoạch nói chung và quy hoạch trong lĩnh vực giao thông nói riêng quá… ngắn, manh mún, thiếu tính tổng thể, thiếu những nghiên cứu bài bản. Phải chăng đó chính là do sự hạn chế về trình độ, năng lực của những người làm công tác này? Nói vậy dường như là hơi quá nhưng những dẫn chứng trong thực tế buộc người ta phải nghĩ tới điều đó. Mấy năm trước, hàng loạt nút giao thông được bịt lại cùng với việc mở hàng loạt điểm quay đầu xe. Một thời gian sau, việc tương tự lại diễn ra. Và mỗi lần như thế tốn kém không ít tiền của. Hay đã lâu là chuyện "con lươn", "con trạch" ở ngã năm Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông nay đập, mai phá, khiến những người phải qua lại nơi đây không khỏi chóng mặt trước những quyết định chóng vánh của lực lượng chức năng. Ngay như một số tuyến đường mới mở, nghĩa là hoàn toàn làm mới, nằm trong một tư duy quy hoạch mới, vậy mà đường mới hoàn thành, dải phân cách ở giữa cỏ trồng chưa kịp mọc đã phải cắt chỗ nọ, xén chỗ kia cho… phù hợp thực tế. Thậm chí có nơi cuối con đường đang giải phóng mặt bằng, thảm nhựa thì ở đầu kia đã rục rịch có dự án mở rộng tuyến đường…
Thật đáng lo ngại nếu vẫn tồn tại những kiểu tầm nhìn, tư duy quy hoạch ngắn như vậy. Đã đến lúc phải "tái cơ cấu" lại đội ngũ cán bộ làm công tác này. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân trong từng vấn đề chứ không thể "vẽ" ra quy hoạch rồi "đem con bỏ chợ". Xây dựng được những quy hoạch tốt sẽ góp phần hạn chế sự lãng phí to lớn về của cải vật chất cũng như những xáo trộn không đáng có trong xã hội, đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.