Ngày 14-7-2011, trên trang 4 Báo SGGP có bài viết phản ánh những vướng mắc về thủ tục cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn TPHCM theo Quyết định 68/2010/QĐ-UBND ngày 14-9-2010 của UBND TPHCM (Quyết định 68). Trong khi các cơ quan chức năng chưa có những điều chỉnh phù hợp với thực tế, thì mới đây người dân lại tiếp tục phản ánh đã bị làm khó do một số quy định của Quyết định 68…
Thiếu thống nhất
Ông Phạm Văn Mười (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) có căn nhà cấp 4 xây dựng trên phần đất nông nghiệp cách nay gần 9 năm. Nhiều lần làm thủ tục xin phép xây dựng đều bị UBND quận từ chối vì chưa có chủ quyền nhà. Thấy Quyết định 68 có quy định sẽ cấp phép xây dựng cho những trường hợp giấy tờ nhà, đất không đầy đủ miễn có cam kết không tranh chấp, khiếu nại và phải được UBND phường xác nhận, ông liền đem nộp hồ sơ lên Phòng QLĐT quận. Thế nhưng, một lần nữa hồ sơ của ông lại bị từ chối với lý do chưa có hướng dẫn của Sở Xây dựng.
Ông Nguyễn Hưng và nhiều hộ dân ở phường Tăng Nhơn Phú (quận Thủ Đức) phản ánh căn nhà mà họ đang ở nhiều năm qua chưa có giấy chủ quyền, nhưng theo quy định của Quyết định 68 vẫn được cấp phép xây dựng nếu đủ điều kiện nằm trong khu dân cư hiện hữu, ổn định. Thế nhưng, nhiều lần ông Hưng nộp hồ sơ xin phép xây dựng đều bị từ chối vì lý do các tiêu chí khu dân cư hiện hữu, ổn định chưa rõ ràng, nên UBND phường không ký xác nhận. Tại các quận 12, Tân Phú, Bình Tân nhiều khu dân cư cũng bị từ chối cấp phép xây dựng vì lý do trên. Trong khi đó, một số khu dân cư ở quận Thủ Đức được xác định có hạ tầng tương đối, mật độ dân cư lớn và có nhiều nhà ở tồn tại lâu đời thì lại được cấp phép xây dựng.
Tại các huyện ngoại thành, theo quy định của Quyết định 68, nhà ở trong khu vực bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật thì không được phép xây dựng mới, chỉ được sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi quy mô, diện tích. Thế nhưng, nhiều hộ dân tại đường Trịnh Thị Miếng thuộc xã Thới Tam Thôn làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng tạm đều bị từ chối. Có trường hợp tự ý nâng nền, nâng mái để tránh ngập, dột vào mùa mưa liền bị UBND xã cho lực lượng xuống cưỡng chế. Thế nhưng, quy định này lại được chính quyền các xã của huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh tạo điều kiện cho người dân được nâng cấp, sửa chữa nhà mà không cần xin phép xây dựng tạm.
Thủ tục vẫn nhiêu khê
Ông Lê Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) cho biết, lượng hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền nhà, quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng mỗi năm có hàng ngàn hồ sơ, song tỷ lệ hồ sơ đủ điều kiện giải quyết chỉ hơn 10%. Lý do là hầu hết hồ sơ nhà đất đều không có giấy tờ chứng minh thời điểm tạo lập, mua bán giấy tay lòng vòng… Đã xuất hiện tình trạng một giấy phép xây dựng, nhưng người dân xây thành nhiều căn để tránh kiểm tra của chính quyền, sau đó tìm cách hợp thức hóa, hoặc bán lại bằng giấy tay cho nhiều người khác. Hay quy định các trường hợp sửa chữa, nâng nền, nâng mái thì không phải xin phép, được nhiều người tìm cách dựng nhà tôn, lợp lá sơ sài trên đất nông nghiệp, sau đó đổ đất, xây gạch, thay mái tôn để trở thành căn nhà mới.
Một căn nhà tại ấp Tam Đông 1, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) theo kiểu “Một giấy phép xây nhiều căn nhà” bị buộc tháo dỡ. Ảnh: HOÀI NAM
|
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP