Nghị định 88/2009 không đòi biên bản nghiệm thu hạ tầng nhưng Quyết định 54/2007 của UBND TP.HCM lại đòi khiến hàng trăm nhà đất không được cấp giấy chứng nhận.
Cuối tháng 4-2011, khi làm việc với HĐND, UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP, lưu ý tình trạng nhiều cử tri quận 2 “bị ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi” vì chưa được cấp giấy chứng nhận. Cớ sự phát sinh do UBND quận căn cứ vào Quyết định 54/2007 của UBND TP để không cấp giấy cho nhà đất ở các dự án mà chủ đầu tư chưa kết nối xong hạ tầng. Sau đó, báo Pháp Luật TP.HCM có bài “Vướng hạ tầng, chủ quyền nhà bị tắc” ghi nhận những khó khăn của hàng trăm hộ dân tại nhiều nơi trong việc không được cấp giấy chủ quyền do chủ đầu tư tháo chạy, không hoàn chỉnh hạ tầng.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết:
Theo Quyết định 54 (hướng dẫn thực hiện Nghị định 90/2006), một trong những giấy tờ tạo lập nhà đất phải có mới được cấp giấy chứng nhận là “biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho UBND quận, huyện hoặc Sở Giao thông vận tải quản lý để đưa vào sử dụng”. Trong quá trình triển khai, TP cũng đã nhận thấy một số điểm bất hợp lý và đang xem xét sửa Quyết định 54 thì Nghị định 88/2009 ra đời. Nghị định này không có quy định về điều kiện hạ tầng.
Theo kế hoạch, các khu phân lô hộ lẻ cũng sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm nay để dân sớm có chủ quyền. Trong ảnh: Một khu phân lô hộ lẻ ở phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM chưa được chủ đầu tư khắc phục phần hạ tầng. Ảnh: Thái Hiếu |
Vừa cấp giấy vừa hoàn thiện hạ tầng
Năm 2010, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các sở liên quan và các quận, huyện nhanh chóng rà soát các dự án nhà đất còn vướng hạ tầng để xem xét, cấp giấy chứng nhận. Tùy loại dự án mà có cách xử lý phù hợp. Đối với những dự án thuộc thời điểm mà quy định về hạ tầng chưa cụ thể thì Nhà nước phải gánh vác một phần về hạ tầng. Trường hợp thời điểm đó đã có quy định rõ ràng thì chủ đầu tư buộc phải hoàn chỉnh.
Có một thực tế là nhiều người dân ở những dự án vướng hạ tầng đã không biết mình phải làm gì để góp phần gỡ vướng. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng không chỉ để phục vụ công tác quản lý của Nhà nước mà còn mang lại lợi ích cho chính chủ nhà đất. Do vậy, ngoài việc chính quyền ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì người dân vẫn có thể đóng góp để cùng hoàn thành hạ tầng. Phương án này sẽ phát huy được nhiều hiệu quả, nhất là trong trường hợp chủ đầu tư cố tình bỏ chạy nên đã được nhiều nơi áp dụng như ghi nhận của báo Pháp Luật TP.HCM. Bấy giờ, với số tiền đóng góp của dân, các quận, huyện có thể đứng ra chủ trì việc thực hiện các hạng mục còn thiếu để sớm ra được giấy chủ quyền.
Tôi hoàn toàn đồng ý với việc bãi bỏ các loại biên bản về hạ tầng nêu trong Quyết định 54. Bấy giờ, bên cạnh việc cấp ngay giấy chứng nhận cho dân, các quận, huyện có thể công khai các giải pháp khắc phục khả thi dành cho chủ đầu tư và cả chủ nhà đất theo phương án mà tôi đã nêu ở trên để từ đó tiếp tục hoàn thiện dự án.
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP