Các hoạt động sản xuất dễ gây ô nhiễm được khuyến khích vào cụm công nghiệp tập trung - Ảnh minh hoạ: Phạm Huyền. |
Tới đây, việc thành lập mới các Cụm công nghiệp sẽ phải đáp ứng tối thiểu 3 điều kiện cần thiết để tránh tình trạng đầu tư lãng phí, đảm bảo hiệu quả sử dụng quĩ đất.
Thủ tướng vừa ký Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý Cụm công nghiệp. Theo đó, để một Cụm công nghiệp được thành lập, sẽ phải đảm bảo 3 điều kiện cần thiết.
Đó là, phải nằm trong trong Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp đã được phê duyệt, phải có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp và đặc biệt, phải đảm bảo khả năng lấp đầy tối thiểu 30% sau 1 năm được thành lập.
Việc mở rộng Cụm công nghiệp cũng được qui định rất chặt chẽ. Quy chế nêu rõ, Cụm công nghiệp chỉ được mở rộng khi có các điều kiện như: có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, có nhu cầu thuê đất công nghiệp trong cụm công nghiệp vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của cụm.
Đồng thời, Cụm công nghiệp đó đã đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% và đã có công trình xử lý nước thải tập trung đối với cụm có diện tích từ 15 ha trở lên.
Các điều kiện này sẽ nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất của địa phương, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả kinh tế của Cụm công nghiệp, ngăn ngừa tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.
Ngoài ra, trong quá trình thành lập, mở rộng Cụm công nghiệp, các địa phương phải lựa chọn đơn vị kinh doanh hạ tầng. Đây là đơn vị đầu mối trong việc hướng dẫn các thủ tục, thông tin cần thiết cho doanh nghiệp muốn đặt hoạt động sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp như vị trí, địa điểm, diện tích dự kiến thuê, giá thuê…
Hiện nay, tổng số các cụm công nghiệp do UBND cấp tỉnh có chủ trương xây dựng và phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 là 1.643 Cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 73.000 ha.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet