Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Với tốc độ phát triển như hiện nay, Bình Dương là một trong những tỉnh thành đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng GDP và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Xây dựng trong việc tổ chức lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng (QHXD) bởi công tác này luôn đi trước một bước, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và bền vững của tỉnh.
Nói về công tác này, ông Huỳnh Văn Minh - Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết:
- Trong những năm qua Sở Xây dựng Bình Dương đã chủ động phối hợp với các ngành lập đồ án QHXD vùng tỉnh Bình Dương đến năm 2020 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 68/2006/QĐ-UBND). Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 81/2007/QĐ-TTg ngày 05/6/2007 phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020.
Trên cơ sở đó Bình Dương đã tổ chức triển khai lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Căn cứ theo quy hoạch đã được duyệt, cùng với sự quan tâm đầu tư của nhiều DN trong và ngoài tỉnh, đến nay Bình Dương đã triển khai theo quy hoạch 1 khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị; 28 KCN; 11 cụm công nghiệp; 210 KĐT, khu nhà ở thương mại.
Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực QHXD có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Bên cạnh kết quả đã đạt được thì công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.
Mặc dù Ngành đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm khắc phục, song chất lượng lập thẩm định quy hoạch chưa cao, tính hiệu quả khả thi vẫn còn thấp so với diễn biến phát triển của đô thị Bình Dương. Từ đó dẫn đến tình trạng một số quy hoạch chi tiết thiếu tính đồng bộ, một số đồ án quy hoạch có tính dự báo thấp nên vừa được phê duyệt thì nhanh chóng lạc hậu hoặc hiệu quả triển khai không cao.
Việc quản lý thực hiện quy hoạch còn chưa chặt chẽ, gặp nhiều khó khăn trong quá trình chủ động phối hợp với các ngành, địa phương. Nhân sự làm công tác quản lý quy hoạch còn ít và trình độ không đồng đều, chưa kể một số trường hợp có trình độ không phù hợp với Ngành.
* Sở Xây dựng Bình Dương đã và đang làm gì để khắc phục những hạn chế đó, thưa ông?
- Đối với công tác quản lý Nhà nước, Sở đã ban hành 6 công văn, trong đó lĩnh vực cấp phép xây dựng chỉ có 1 công văn, còn lại là QHXD. Từ khi Luật Quy hoạch đô thị có hiệu lực, Sở đã triển khai công tác lập thẩm định QHXD cơ bản đúng theo trình tự thủ tục phân cấp, đảm bảo đầy đủ các nội dung quy hoạch thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, công tác thanh quyết toán chi phí lập thẩm định các đồ án QHXD, cấp phép xây dựng cũng được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Việc quản lý thực hiện xây dựng theo quy hoạch cũng đã được thể hiện thông qua các hình thức công bố công khai các quy hoạch, cung cấp thông tin về QHXD theo yêu cầu của chủ đầu tư, cấp chứng chỉ QHXD.
Ngoài ra, Sở cũng đã tổ chức cắm mốc và quản lý mốc giới quy hoạch ngoài thực địa, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý xây dựng trong các dự án quy hoạch. Định kỳ hàng năm, kiểm tra việc thực hiện quy theo quy hoạch được duyệt của các chủ đầu tư.
Kết quả kiểm tra sau cấp phép trên địa bàn Bình Dương giai đoạn 2005 - 2010 là 5,522 đợt, trong đó phát hiện vi phạm hành chính là 4,787 trường hợp (xây sai phép 258 trường hợp, không phép 2,371 trường hợp…). Những trường hợp này đều bị xử phạt nghiêm minh.
Để quản lý tốt quy hoạch, các công trình kiến trúc, hiện nay chúng tôi đang hoàn chỉnh dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị Bình Dương. Hiện nay Bộ Xây dựng chưa có quy chế quản lý kiến trúc đô thị vì vậy chúng tôi đã chủ động soạn thảo quy chế riêng, sau đó sẽ trình Bộ Xây dựng và các ngành liên quan để xin ý kiến.
Nếu được thông qua, đây sẽ là cơ sở để điều hành phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn Bình Dương. Trước hết là quản lý theo đồ án quy hoạch chung đô thị Bình Dương, trong đó có các quy định quy hoạch đô thị, hình thái Bình Dương, chùm đô thị mà hạt nhân là Thủ Dầu Một.
Nếu quản lý được quy hoạch, bao gồm cả không gian công nghiệp dọc theo tuyến QL13, DT743, đường vành đai 4 thì sẽ hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng phát triển ồ ạt các khu công nghiệp ở phía Nam mà sẽ tập trung phát triển về phía Bắc. Tiếp đến là quản lý được không gian thể thao giải trí gồm có 3 vùng giáp sông Sài Gòn, giáp sông Đồng Nai và khu vực trung tâm.
* Xin ông cho biết một số định hướng của tỉnh Bình Dương trong việc quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn tỉnh?
- Quan điểm của tỉnh trong việc quản lý không gian đô thị là phải bảo tồn được không gian đô thị cũ, kết hợp với việc kết nối với các đô thị mới. Song song đó, phải phát triển các không gian dự trữ trong đô thị bằng cách phát triển nhà vừa, nhà trồng trọt nông nghiệp.
Các không gian bảo tồn phải được khoanh vùng để bảo vệ như sông, rạch, suối, các công trình kiến trúc…; Trong quản lý kiến trúc thì phải phân vùng và quản lý theo đúng tiêu trí và định hướng phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng đã phê duyệt. Tăng cường kiểm soát không gian theo địa hình. Đồng thời, đối với những khu vực như quảng trường, đường cao tốc phải có quy chế quản lý kiến trúc riêng …
Xin cám ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng