Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh - đầu tư BĐS tại TPHCM ngày 20-10. Ông Dũng cho biết thị trường BĐS đang ở giai đoạn khó khăn nhất, trước mắt doanh nghiệp phải tự cứu mình, về phía Bộ Xây dựng sẽ tháo gỡ ngay những tồn tại bất hợp lý để khơi thông thị trường.
Rút ngắn thời gian thủ tục cấp phép
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho biết khó khăn rất lớn hiện nay của doanh nghiệp BĐS là hàng tồn kho quá lớn, nợ xấu cao, mất cân đối cung cầu.
Ông Châu cho rằng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của thị trường cũng như để tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp đã cho ra những dòng sản phẩm mới nhưng quy định về mặt pháp luật chưa rõ ràng, như căn hộ diện tích nhỏ, sở hữu căn hộ có thời hạn…
Thị trường BĐS khó khăn ở hàng loạt phân khúc, khiến tồn tới 20.000 căn hộ chưa bán được. Mặc dù chủ đầu tư giảm giá, hoãn tiến độ thu tiền để kích cầu nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình. Nhà đầu tư có tiềm lực tài chính hạn chế, vốn tự có quá nhỏ, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải vay tới 70-80% tổng vốn đầu tư trong thời gian 10-15 năm khiến tiến độ đầu tư bị ảnh hưởng. Sự suy thoái hiện nay của thị trường BĐS là hệ lụy của việc tăng trưởng nóng và tình trạng đầu cơ của những năm 2006-2007.
Ông ĐỖ PHI HÙNG,Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM |
Cụ thể, Công ty TNHH Lê Thành vừa cho ra đời sản phẩm căn hộ thuê ổn định 15 năm với giá 240 triệu đồng/căn trả trong 5 đợt để đáp ứng người thu nhập thấp - mà thực ra là sở hữu có thời hạn. Một số doanh nghiệp “chẻ nhỏ” căn hộ để giảm giá thành, tạo thanh khoản cho thị trường…
Những vấn đề này ông Châu đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến, hoặc kiến nghị các cấp cao hơn để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện.
Ông Nguyễn Phụng Thiều, Giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn Gia Định, kiến nghị cần ban hành quyết định tạm thời miễn giảm VAT, tiền sử dụng đất giúp giá nhà giảm 30-40%. Bên cạnh đó là hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, chắc chắn nhiều người sẽ mua được nhà.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, cho biết những quy định trong lĩnh vực xây dựng vừa ban hành không những không đơn giản thủ tục mà còn rườm rà hơn.
Cụ thể Nghị định 64 về cấp phép xây dựng quy định 3 bước “chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng và thẩm định thiết kế cơ sở”, mỗi bước mất 2 tháng thực hiện, tức để có giấy phép xây dựng phải mất ít nhất 6 tháng.
Trong khi quy định này có thể có thể gom lại 1 bước chỉ mất 2 tháng. Đó cũng là nguyên nhân đẩy giá thành đầu tư lên cao. Nhiều ý kiến đề nghị thay vì bơm vốn cho nhà đầu tư, nên cho người mua nhà vay để phá băng thị trường, vì thực tế nhiều doanh nghiệp không muốn vay vốn, trong khi đó người mua nhà lại cần.
Bên cạnh đó, lãi vay cũng cần ổn định và thấp chứ không thể cao như hiện nay. Ngoài ra cần có cơ quan dự báo về thị trường BĐS để định hướng nhà đầu tư.
Bãi bỏ những quy định cứng nhắc
Ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng giám đốc Công ty Nam Long, cho rằng lãi suất nước ta cao nhất khu vực và không ổn định, có lúc lên trên 25-27%/năm, hiện lãi suất thật còn khoảng 15%/năm. Người dân đang chờ và không mua nhà bởi kỳ vọng giá nhà và lãi suất ngân hàng sẽ giảm tiếp.
LS Trương Thị Hòa cho rằng cần phục hồi lòng tin bằng sự ổn định pháp luật liên quan đến BĐS. Thời gian qua, nhiều quy định chồng chéo không kịp thời được chỉnh sửa, đã gây nên những khó khăn cho thị trường.
Thí dụ những quy định về diện tích căn hộ hiện nay cũng không thống nhất. Hoặc kêu gọi doanh nghiệp BĐS phải tự cứu mình, nhưng sự tự cứu này không thể nằm ngoài pháp luật.
Theo đó nhiều doanh nghiệp bớt lời giảm giá bán để tiêu thụ được sản phẩm. Muốn vậy doanh nghiệp phải thay đổi thiết kế dự án, thì cơ quan có thẩm quyền cũng cần hỗ trợ, giải quyết sao cho nhanh gọn, hợp lý. Bên cạnh đó, vận động những người có tiền mua nhà đất để cho thuê, nhằm huy động nguồn lực của xã hội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng (áo đen bên phải) trao đổi với doanh nghiệp. Ảnh: TRÀ GIANG
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Thuduc House, đề nghị cần cải thiện 3 vấn đề: nguồn vốn, tính thanh khoản và tạo những chương trình đột phá. Muốn cải thiện tính thanh khoản giá phải giảm.
Trong khi giá bán lại do nhiều yếu tố cấu thành, trong đó có tiền sử dụng đất, dù rất bức xúc nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Về các chi phí lãi suất, thuế, nên mạnh dạn giảm ngay thuế VAT cho phân khúc căn hộ bình dân, từ đó giảm giá sản phẩm, giảm thủ tục và giảm chi phí.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết bộ đang chuẩn bị và sẽ đưa ra nhiều chính sách để khơi thông thị trường. Tuy nhiên phải lắng nghe ý kiến từ thực tiễn xem những chính sách đó có phù hợp hay không. Ông Dũng thừa nhận BĐS là ngành xương sống của nền kinh tế, giống như đầu tàu kéo nhiều ngành khác cùng phát triển như vật liệu xây dựng, điện, tài chính…
Trong những năm qua BĐS đóng góp rất lớn, giúp bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng, chỗ ở người dân được cải thiện rất rõ. Tuy nhiên, BĐS đang ở giai đoạn khó khăn nhất, nếu kéo dài sẽ rất nguy hiểm nên cần quan tâm tháo gỡ. Nguyên nhân khó khăn do phát triển thị trường còn tự phát, phong trào, thiếu kinh nghiệm, nhà nhà làm BĐS, người người làm BĐS.
Khách hàng mua không trực tiếp sử dụng mà chỉ mua để bán qua bán lại, tạo ra thị trường ảo. Số lượng nhà đầu tư trung gian quá lớn, khiến nhiều người ngộ nhận thị trường phát triển mạnh. Khi kinh tế khó khăn, các van tín dụng đóng lại, để lộ thị trường mất cân bằng, hạn chế khi cung vượt quá cầu.
Trước các kiến nghị của doanh nghiệp ông Dũng cho biết những quy định không còn phù hợp với thực tiễn sẽ phải sửa. Cụ thể sẽ bỏ quy định cứng nhắc tỷ lệ 1-2-1 (25% căn hộ diện tích nhỏ, 50% căn hộ diện tích trung bình, 25% căn hộ diện tích lớn) trong một dự án chung cư như hiện nay, mà để doanh nghiệp quyết định theo thị trường, cho phép doanh nghiệp xây dựng căn hộ thương mại 25m2…
Tất cả những vấn đề trên sẽ cho doanh nghiệp thí điểm, sau đó sẽ trình các cơ quan chức năng, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện lâu dài. Tạo cơ chế để phát triển sản phẩm BĐS giá thấp, đáp ứng cho số đông người lao động, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC