Sau khi mở rộng địa giới hành chính (1-8-2008), Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch chung Hà Nội, xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học - giao lưu quốc tế... xứng tầm và có tính cạnh tranh cao.
Việc này được giao cho Bộ Xây dựng và Liên danh Tư vấn quốc tế PPJ. Trong quá trình nghiên cứu, tư vấn đã có những phác thảo đầu tiên báo cáo Thủ tướng, UBND TP Hà Nội. Theo kế hoạch, đồ án quy hoạch chung Hà Nội sẽ hoàn thành vào dịp Hà Nội 1000 năm tuổi và được trưng bày, lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Hành lang xanh và chuỗi đô thị
Theo phác thảo quy hoạch, ngoài đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ có nhiều đô thị vệ tinh, giữ các chức năng như giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, du lịch dịch vụ, bảo tồn di sản... đưa Hà Nội trở thành một trung tâm lớn, có tính cạnh tranh cao ở khu vực và thế giới. Đồng thời, Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô trực tiếp chỉ đạo công tác lập quy hoạch chung. Với mong muốn có được đồ án quy hoạch chất lượng, đáp ứng mong mỏi của nhân dân Thủ đô và cả nước, Thủ tướng quyết định mời tư vấn nước ngoài tham gia nghiên cứu. Sau nhiều vòng tuyển chọn, Liên danh Tư vấn PPJ (Perkin-Posco-Jina) đã vượt qua 12 đơn vị tư vấn quốc tế, chính thức cùng đối tác Việt Nam là Viện Quy hoạch kiến trúc đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng), Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và nhiều chuyên gia khác thực hiện.
|
Hai bản đồ quy hoạch kiến trúc cảnh quan Hà Nội mở rộng do đơn vị tư vấn đưa ra. |
Đến nay, Liên danh Tư vấn nước ngoài đã có báo cáo lần một trước Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng. Qua đó, Hà Nội được PPJ phác thảo theo phương án không gian, gồm vùng lõi đô thị (từ Vành đai 4 trở vào), hành lang xanh và các đô thị vệ tinh; với kết cấu cơ sở hạ tầng khung như hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, y tế, giáo dục, trung tâm hành chính mới. Đặc biệt, ý tưởng "hành lang xanh" chiếm 60% diện tích Hà Nội (gồm diện tích cây xanh, nông nghiệp, làng nghề...) được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao. Hà Nội trước đây khi lập quy hoạch (năm 1998) cũng đưa ra ý tưởng thiết lập các vành đai xanh, song không thực hiện được, bởi các tỉnh lân cận cũng có nhu cầu phát triển rất lớn, đưa đô thị, khu công nghiệp sát Hà Nội, "chọc" thủng các vành đai xanh này.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, lập lại hành lang xanh là ý tưởng tốt, song cần phải làm rõ tính khả thi: Thế nào là xanh và xanh ở đâu? Hà Nội nhiều sông, ao, hồ, có tính là xanh không? Theo TS Nguyễn Hoàn, hành lang xanh mà tư vấn đưa ra mới chỉ là giải pháp, chưa có tính triết lý. Đây là lỗ hổng lớn của một đồ án quy hoạch.
Tầm vóc và bản sắc văn hóa
Ông Bùi Tâm Trung, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Hà Nội đề nghị, Hà Nội nên chọn là thành phố có bản sắc riêng với không gian, cây xanh, mặt nước, cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, di sản văn hóa và cả con người đậm chất Á Đông... "Hà Nội không thể cạnh tranh để trở thành thành phố siêu hiện đại, với những cao ốc chọc trời hoặc vô số sân gôn, nên không thể đặt vấn đề theo kiểu cái gì ở Thủ đô cũng phải chiếm ngôi đầu mới xứng tầm"-ông Bùi Tâm Trung nói.
Về cấu trúc đô thị, điều khiến nhiều nhà khoa học băn khoăn là sau mỗi lần báo cáo, số đô thị vệ tinh của Hà Nội được đề xuất tăng dần từ 4, lên 7 rồi 10 đô thị. Song, tư vấn chưa đưa ra được luận cứ tại sao lại hình thành đô thị vệ tinh ở đó? Quy mô diện tích, dân số đô thị vệ tinh là bao nhiêu? Động lực phát triển của đô thị vệ tinh là gì? Đặc biệt, trong khi quy hoạch Vùng Thủ đô (8 tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội) có khoảng 1.100ha đô thị, thì đồ án quy hoạch Hà Nội đề xuất phát triển 1.400km2 đô thị trong 20 năm tới. "Có vẻ như cứ sau mỗi lần báo cáo, số lượng đô thị vệ tinh lại tăng lên mà chưa có lý giải thỏa đáng" - ông Nghiêm nói. TS Nguyễn Hoàn, Hội Kinh tế Việt Nam cũng bày tỏ băn khoăn khi đồ án không rõ tổ chức không gian chùm đô thị, đô thị vệ tinh, chuỗi đô thị hay cụm đô thị; không xác định vị trí của Hà Nội với Vùng Thủ đô, Đồng bằng Bắc bộ, với quốc gia, với khu vực...
Tương tự, về vị trí đặt trung tâm hành chính quốc gia, nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất ban đầu của tư vấn nước ngoài (đặt tại huyện Thạch Thất, khu vực Tàm Xá (Đông Anh) hoặc khu vực giữa sông Tích và sông Đáy). GS-TS Vũ Hoan, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội cho rằng, vẫn phải lấy khu Ba Đình làm điểm tựa để phát triển. GS-TSKH Lâm Quang Cường (Đại học Xây dựng Hà Nội), đề nghị quy hoạch chung Hà Nội lần này không phải là quy hoạch thành phố mới, vì đô thị hiện hữu (khu vực trung tâm) đã có dân số trên 4 triệu người. Do đó, cần chú ý cải tạo, phân tích hiện trạng một cách tỉ mỉ. Điều quan trọng là phải hạn chế số dân của đô thị trung tâm 5-6 triệu người, không để Hà Nội sau này trở thành một đô thị khổng lồ.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới