Hà Nội dự kiến sẽ thi công thêm 6 cầu vượt và hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm nay. Đó là một phần trong kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng cuối năm 2012 vừa được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết.
Theo kế hoạch, trước Tết Nguyên đán 2013, Thành phố sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án cầu vượt tại nút giao đường Nguyễn Chí Thanh và đường Láng; hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 10/2012 cầu vượt tại nút giao đường Lê Văn Lương - đường Láng để hạn chế ùn tắc giao thông.
Thành phố cũng yêu cầu nghiên cứu phương án thiết kế xây dựng 4 cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, nút giao đường Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, nút giao đường Bạch Mai - Lê Thanh Nghị và nút giao Daewoo. Theo tiến độ, Sở GTVT hoàn thành dự án trong tháng 7/2012, gửi hồ sơ lấy ý kiến các Sở, ngành, địa phương liên quan để chỉnh sửa, báo cáo UBND Thành phố tháng 8/2012; phấn đấu thi công từ Quý 3/2012, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2012.
Để đảm bảo an toàn giao thông, Thành phố cũng giao Sở GTVT tiếp tục nghiên cứu, lập dự án, hoàn thiện nút giao đường Chùa Bộc - Thái Hà, nút giao Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, Nút giao Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, nut giao Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn theo quy hoạch.
Về xây dựng trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi, Thành phố yêu cầu Sở GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, hoàn chỉnh phương án.
Thành phố cũng sẽ tổ chức sửa chữa mặt đường các tuyến Quốc lộ QL21B, đường 80, tuyến Quốc lộ 6, Quốc lộ 1A, đường Quang Trung, đường 70, QL3, đường 131, đường 35, đường 16. Các tuyến đường trọng điểm bị hư hỏng nặng cũng sẽ được Sở GTVT nghiên cứu, lập dự án đầu tư.
Theo Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2012 – 2015 vừa được HĐND Thành phố thông qua, Hà Nội sẽ đầu tư 1.944 tỷ đồng để cải thiện tình hình giao thông trong 3 năm tới.
Cụ thể, Thành phố đặt ra mục tiêu giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại trong giai đoạn 2012-2015 và duy trì không để phát sinh điểm ùn tắc mới. Với nguồn lực có hạn, Thành phố sẽ phải chia sẻ cho cả hệ thống hạ tầng cũng như tổ chức mạng lưới giao thông, trong đó, tập trung phần lớn cho hệ thống đèn tín hiệu, phương tiện giao thông công cộng và cải tạo, sửa chữa các nút,trục giao thông chính, hay xảy ra ùn tắc.
Thành phố cũng cam kết sẽ không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô theo quy hoạch, đồng thời sẽ di chuyển dần các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện… ra ngoài trung tâm theo đúng lộ trình quy hoạch và ưu tiên bố trí quỹ đất này dành cho giao thông.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia