Bộ Xây dựng vừa đưa đồ án quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội lấy ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo thành phố Hà Nội và 7 tỉnh liên quan gồm Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình.
Theo dự thảo của Bộ Xây dựng, tầm nhìn của đồ án quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và hướng tới năm 2050.
Thủ đô Hà Nội sẽ đóng vai trò chủ đạo của không gian vùng và có ba khu vực đô thị lớn: Thứ nhất là đô thị trung tâm ở phía nam sông Hồng. Khu vực đô thị cổ, đô thị cũ là nơi bảo tồn di sản. Phía tây - tây nam là một số trung tâm cấp quốc gia, quốc tế, nhà ở cao tầng.
Thứ hai là khu vực đô thị mới phía bắc sông Hồng (huyện Đông Anh). Đây là trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ đô thị. Sóc Sơn sẽ phát triển dịch vụ công nghiệp gắn trung tâm đào tạo nghề, du lịch, đầu mối hạ tầng.
Thứ ba là khu vực đô thị phía đông (quận Long Biên và huyện Gia Lâm). Đây là một hướng phát triển mở về phía cảng biển, khu công nghiệp, dịch vụ kỹ thuật, đô thị, trung tâm tiếp vận đầu mối.
Theo dự thảo, các trung tâm tăng trưởng gắn với các chức năng phát triển trong vùng như: phía tây là vùng du lịch, nghỉ dưỡng, đào tạo, nghiên cứu, công nghệ cao. Khu vực phía nam, trục đường 5 mới kéo dài về phía tây (Phú Xuyên - Quan Sơn - Kim Bôi - Điện Biên Phủ) là trung tâm du lịch - đô thị mới. Thành phố Hòa Bình là trung tâm, dịch vụ du lịch, đào tạo, thương mại… có vị trí giao thoa giữa Vùng đô thị và miền núi Tây Bắc.
Các trung tâm tăng trưởng đông - đông nam là vùng chức năng phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối với cửa ngõ kinh tế biển. Trong đó trọng điểm là hành lang Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng.
Trung tâm phía bắc - đông bắc là vùng công nghiệp lớn, đầu mối giao thông, tham gia vào hành lang kinh tế quốc tế Côn Minh - Hạ Long. Đây là hành lang kinh tế trọng điểm phát triển đầu mối giao thông tiếp vận (Nội Bài), các trung tâm công nghiệp (Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sóc Sơn, Bắc Ninh); công nghiệp nặng (Phả Lại, Đông Triều)...
Theo VnExpress