Top

Doanh nghiệp bất động sản được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất

Cập nhật 10/04/2020 11:26

Sau nhiều lần đề xuất cuối cùng các doanh nghiệp bất động sản cũng lọt danh sách được “giải cứu” do dịch COVID-19.

Các dự án du lịch nộp tiền thuê đất hàng năm, đất dự án thương mại nếu vẫn đóng tiền thuê đất hàng năm thì được hưởng Nghị định 41

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chính thức ký ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các dự án du lịch nộp tiền thuê đất hàng năm, đất dự án thương mại nếu vẫn đóng tiền thuê đất hàng năm thì được hưởng Nghị định 41

Theo tính toán của Bộ Tài chính, sẽ có khoảng 98% doanh nghiệp của cả nước được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong 5 tháng. Tổng số tiền được gia hạn ước tính 180.000 tỷ đồng.

Cụ thể, 5 đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất gồm:

Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục;...

Thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú ăn uống; giáo dục đào tạo; y tế; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm...

Thứ ba là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Thứ tư là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ năm là nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/4/2020.

Liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản, tại lần sửa đổi dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cuối cùng, Bộ Tài chính đã bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản vào danh sách các đối tượng được hưởng gia hạn.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhằm "giải cứu" các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn trước bởi dịch COVID-19.

Công văn đề xuất "giải cứu" doanh nghiệp bất động sản của VNREA tập trung vào việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài...

Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, không phải hầu hết các doanh nghiệp, dự án bất động sản đều được giãn nộp thuế, tiền thuê đất.

Theo luật sư Phượng, các dự án du lịch với đất thương mại dịch vụ theo quy định hiện nay được trả tiền thuê đất hàng năm. Nhưng nhiều dự án du lịch và dự án condotel xin nộp tiền sử dụng đất 1 lần (để thế chấp ngân hàng, để không tính tiền thuê theo kỳ và dự án condotel bán căn hộ du lịch), các dự án này không được hưởng lợi từ Nghị định 41.

Mặt khác, các dự án nhà ở thuộc diện đất ở là đất được giao (đấu giá, hoặc giao đất không qua đấu giá) nên không phải là đất thuê, do đó không phải là đối tượng gia hạn theo Nghị định 41.

Các dự án tự bồi thường (bồi thường cho dân trước khi có quyết định phê duyệt dự án) qua hình thức nhờ cá nhân nhận chuyển nhượng thì cũng không được gia hạn tiền thuê đất theo Nghị định 41 vì không phải do công ty đứng tên, không trực tiếp thuê đất từ Nhà nước.

"Chỉ có các dự án đang vướng mà đất có nguồn gốc nhà nước, như đất doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý và chờ thực hiện xong pháp lý dự án, thủ tục giao đất ở vẫn là đất thuê trực tiếp Nhà nước là đối tượng được hưởng việc gia hạn nộp tiền thuê đất này" - Luật sư Phượng khẳng định.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN