Ngày 6/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất điều chỉnh quy hoạch đất lúa của 33 tỉnh, thành phố trong đó trọng tâm là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông tin tại cuộc họp báo cáo quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa toàn quốc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy, sau khi điều chỉnh, tổng diện tích đất lúa cả nước sẽ giữ ổn định ở mức 3,8 triệu ha, trong đó 3,2 triệu ha đất sản xuất lúa hai vụ trở lên.
Theo báo cáo, số liệu đề xuất quy hoạch đất trồng lúa của các tỉnh, thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 chỉ đạt 3,68 triệu ha, giảm 408.800ha so với năm 2009 và thấp hơn 120.000ha so với mục tiêu quy hoạch đất lúa.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại diện tích đất trồng lúa trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006-2010 để xem xét, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo giữ diện tích đất lúa cần bảo vệ.
Báo cáo cũng đề xuất các giải pháp để quản lý, sử dụng đất lúa hiệu quả như đề nghị Nhà nước đầu tư kinh phí cho các tỉnh, thành phố, huyện thị quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020, nhất là quy hoạch sử dụng đất chi tiết cấp xã để tăng cường hiệu lực của công tác quản lý đất đai các cấp trên địa bàn cả nước; đầu tư kinh phí cho các vùng lúa chuyên canh để nâng cao năng suất; ban hành các chính sách để khuyến khích các địa phương giữ đất lúa…
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần từng bước xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm rủi ro thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả đối với người sản xuất lúa hàng hóa, lập quỹ bình ổn giá tiêu thụ lúa gạo trên cơ sở đảm bảo người trồng lúa có lãi 30%...
Trong tiến trình, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, đất trồng lúa ngày càng giảm, điều đáng quan tâm là phần lớn diện tích đất lúa chuyển sang mục đích phi nông nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+