Top

Điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn 2025

Cập nhật 08/08/2007 14:00

UBND TPHCM vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 với tổng diện tích 7.042 ha.

Việc điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thực hiện chương trình di dời hệ thống cảng biển TP đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và chương trình giải tỏa, sắp xếp lại các cơ sở công nghiệp hiện có đang gây nhiễm môi trường các khu dân cư­ trong nội thành cũ, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp. Việc điều chỉnh cũng nhằm thu hút các nguồn vốn đầu t­ư phát triển công nghiệp, tạo động lực vững chắc để phát triển TP đến năm 2020 và xa hơn.

Theo đó, khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) 300 ha, là KCN nhẹ, dệt, may, điện tử và thực phẩm cao cấp. Khu chế xuất Linh Trung I và II (quận Thủ Đức) 124 ha, chế biến để xuất khẩu, là KCN nhẹ cơ khí, điện, điện tử, vật liệu xây dựng. KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) 381 ha, là KCN nhẹ, thông thường và không gây ô nhiễm hoặc ô nhiễm mức độ thấp.

KCN Vĩnh Lộc I (quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) 259 ha, là KCN sạch, không ô nhiễm. KCN Bình Chiểu (quận Thủ Đức) 27,34 ha, là KCN tập trung nhẹ, sạch, ít và không gây ô nhiễm. KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) 1.500 ha, là KCN nặng, chất thải nhiều, có độc hại xử lý phức tạp, có nhu cầu sử dụng diện tích lớn, gắn liền với vận tải thủy (kho, cảng), đóng, sửa chữa phương tiện phục vụ ngành đường biển. KCN Tân Bình (quận Tân Phú và quận Bình Tân) 134 ha, không gây ô nhiễm. KCN Tân Thới Hiệp (quận 12) 28 ha, không gây ô nhiễm.

KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) 800 ha, là KCN nhẹ và các ngành công nghiệp có ô nhiễm không khí (khói bụi) và tiếng ồn nhưmg không có gây ô nhiễm nguồn nước. KCN Tây Bắc (huyện Củ Chi) 380 ha, không gây ô nhiễm. Khu công nghệ cao (quận 9) 913,16 ha, là KCN kỹ thuật công nghệ cao, tạo lực lượng sản xuất mới có trình độ tiên tiến, tập hợp lực lượng trí thức khoa học - kỹ thuật trong và ngoài nước, nghiên cứu sáng tạo và chuyển giao công nghệ cho sản xuất ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao.
 
KCN Cát Lái 2 (quận 2) 124 ha, là KCN thông thường, ô nhiễm không đáng kể. KCN Cát Lái 3 (quận 2) 280 ha. KCN Cát Lái 4 (quận 2) 134 ha. KCN Phong Phú (huyện Bình Chánh) 148 ha, là KCN sạch không gây ô nhiễm hoặc ô nhiễm mức độ thấp. KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) 542,64 ha, gồm các ngành công nghiệp nhẹ.

Ngoài ra, có 7 KCN dự kiến thành lập mới, được quy hoạch 1.422 ha, gồm : KCN Vĩnh Lộc III (huyện Bình Chánh) 200 ha, là KCN sạch, không ô nhiễm, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa chất. KCN Đông - Nam (huyện Củ Chi) có quy mô 338 ha, là KCN nhẹ, không ô nhiễm, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí và bố trí các ngành công nghiệp trọng yếu.

KCN Phú Hữu (quận 9) 162 ha, là khu kho tàng bến bãi và các cơ sở sản xuất liên quan đến vận chuyển đường thủy, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí hàng hải và dịch vụ vận tải hàng hóa và chỉ bố trí các ngành công nghiệp trọng yếu. KCN Phước Hiệp (huyện Củ Chi) 200 ha, là KCN hóa dược.
 
KCN Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) 300 ha, là KCN nhẹ sạch, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và bố trí các ngành công nghiệp trọng yếu. KCN Bàu Đưng (huyện Củ Chi) 175 ha, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí nông nghiệp và bố trí các ngành công nghiệp trọng yếu. Nhà máy đóng tàu thủy Bình Khánh (huyện Cần Giờ) 150 ha, cơ khí hàng hải.

Theo TNN - HCM CityWeb