Ngày 5-11, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM đã báo cáo UBND TP và các trường về phương án thí điểm di dời các trường đại học trong nội thành ra các khu quy hoạch tập trung theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khu vực đường Nguyễn Văn Cừ - An Dương Vương, Q.5, TP.HCM tập trung đến ba trường đại học - Ảnh: P.P.H. |
Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn TP có khoảng 112ha trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Theo kế hoạch sẽ di dời dần các trường này ra các khu vực quận ven, huyện ngoại thành nhằm giảm áp lực về giao thông cho khu vực nội thành TP. Tuy nhiên đại diện một số trường còn băn khoăn về hạ tầng tại các khu vực mới cũng như việc kết nối giao thông giữa khu vực trung tâm TP.
Theo đại diện Trường ĐH Quốc gia TP, cái khó hiện nay là giao thông kết nối chưa đồng bộ với các khu vực dự kiến xây dựng trường ĐH, CĐ. Thời gian đầu trường này rất ngần ngại di dời ra khu vực mới (thuộc Thủ Đức, TP.HCM và một phần tỉnh Bình Dương) do giao thông chưa “thông”, gần đây đã có nhiều tuyến xe buýt hơn, đáp ứng nhu cầu đi lại của giảng viên, sinh viên.
Ông Trương Ngọc Ẩn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP, đề xuất: không chỉ quy hoạch giao thông mà cần có thêm các dịch vụ cần thiết phục vụ sinh viên, giảng viên. Làm sao để giao thông từ khu trung tâm TP đến các trường 10-15 phút là phù hợp, như vậy sẽ khuyến khích các trường di dời. Ông đề nghị sau khi di dời ra các khu quy hoạch mới, TP nên cho các trường giữ lại một số cơ sở hiện tại để làm “bộ mặt” cho các trường.
Đồng tình ý kiến trên, đại diện Trường ĐH Luật TP cho rằng việc giữ lại các cơ sở cũ để thuận tiện cho việc đào tạo sau ĐH, những người học văn bằng 2 vì đa số cán bộ, nhân viên đang làm việc trong khu vực nội thành. Nếu di chuyển xa việc học của những người này sẽ bị ảnh hưởng…
Đại diện Bộ Giáo dục - đào tạo cho biết do không có cơ sở rộng để giảng dạy, hiện có trường ĐH dân lập phải thuê đến 20 địa điểm cho sinh viên học. Có cơ sở học không khác nhà dân. Do vậy chủ trương
di dời các trường ĐH, CĐ là phù hợp. Tuy nhiên thời gian qua tiến độ di dời rất chậm. Vị lãnh đạo này nói Bộ Giáo dục - đào tạo và TP sẽ bàn để thống nhất việc giữ lại một số cơ sở cho các trường.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết vừa qua đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm hiểu, mở siêu thị, nhà sách, nhà văn hóa… tại các khu vực quy hoạch trường ĐH, CĐ để đáp ứng nhu cầu của sinh viên, giảng viên. Ông cũng đề nghị các ngành liên quan tính toán quy hoạch để kết nối giao thông với các khu quy hoạch trường ĐH, CĐ, xây dựng bệnh viện… để biến các khu vực này như những khu đô thị vệ tinh, góp phần giãn dân khu vực nội thành.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - đầu tư, quy hoạch đến năm 2025 TP.HCM sẽ dành quỹ đất 2.210ha để xây dựng các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tại TP. Hiện TP đã có chủ trương bố trí cho các trường khoảng 1.257ha, số còn lại chưa bố trí.
Các khu vực được quy hoạch để di dời các trường ĐH, CĐ là:
Phía tây bắc TP (thuộc huyện Hóc Môn, Củ Chi và tập trung chủ yếu tại khu đô thị Tây Bắc) với diện tích khoảng 660ha và đã bố trí gần 500ha cho các trường ĐH Sư phạm TP (53ha), ĐH Y dược TP (115ha), ĐH Mở TP (20ha), khu đô thị ĐH quốc tế VIUT (hơn 304ha)…
Phía nam TP (thuộc quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè): tổng quỹ đất khoảng 735ha. Phần diện tích đã bố trí cho các trường gần 150ha, gồm Trường ĐH TDTT (17,4ha), ĐH RMIT (12,42ha), ĐH Sài Gòn (12,6ha), ĐH Cảnh sát nhân dân (15,21ha)… Hiện còn hơn 580ha chưa bố trí.
Phía đông bắc TP (quận 9, Thủ Đức, TP.HCM và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có tổng diện tích 815ha, trong đó khu vực bố trí cho ĐH Quốc gia TP là 643ha, còn lại các trường khác. Hiện khu này không còn quỹ đất trống.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO