Top

Đề xuất cho người dân vay tín chấp để mua nhà ở xã hội tại TP.HCM

Cập nhật 26/12/2019 08:15

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa có công văn gửi UBND thành phố liên quan đến kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020.

Chung cư có căn hộ là nhà ở xã hội trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, vào tháng 11-2019, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM có tổ chức tọa đàm về cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển các loại hình nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Qua tọa đàm đã chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cũng như các đề xuất tháo gỡ. Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tổng hợp báo cáo lãnh đạo thành phố.

Hiện tại, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác dự án nhà ở thương mại, thậm chí phải chịu thêm một số thủ tục khác như thẩm định giá, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, cả hai loại hình dự án này đang gặp nhiều khó khăn trong thủ tục về tài chính và đất đai.

Một số dự án nhà ở xã hội triển khai rất khó khăn, kéo dài, thậm chí không thực hiện được do còn một phần đất dự án không thỏa thuận được giá bồi thường, hỗ trợ với người dân, vướng đất do Nhà nước quản lý.

Ngoài ra, chi phí bồi thường theo quy định không được tính vào giá bán nhà ở xã hội, gây thiệt hại về tài chính cho chủ đầu tư, không đảm bảo mức tối đa lợi nhuận 10% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Đặc biệt, khi chủ đầu tư thế chấp dự án nhà ở xã hội để vay tiền ngân hàng, người mua không thể vay tiền ngân hàng bằng thế chấp chính căn nhà muốn mua. Người mua nhà ở xã hội thường không có hình thức thế chấp nào khác nên họ không thể tiếp cận được các khoản vay.

Từ thực tế trên, các ý kiến tại tọa đàm cho rằng cần đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép dùng tín chấp, thay vì thế chấp, để khách hàng vay tiền ngân hàng mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, đề xuất Bộ Tài chính cho phép tính chi phí bồi thường vào giá bán nhà ở xã hội để đảm bảo công bằng cho chủ đầu tư.

Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha cần có biện pháp chế tài đối với chủ đầu tư không hoặc chậm trễ đầu tư nhà ở xã hội. Quỹ đất này cần được thu hồi hoặc thành phố hoàn tiền để giao cho chủ đầu tư khác phát triển dự án nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, TP.HCM có trên 470.000 hộ gia đình chưa có nhà ở hoặc ở chung với cha mẹ, người thân; trong đó có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ công chức, viên chức chưa có nhà ở hoặc ở chung với cha mẹ, người thân.

Toàn thành phố hiện có khoảng 18.000 hộ gia đình bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị, không đủ điều kiện bồi thường hoặc không đủ để mua nhà ở thương mại trên thị trường.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ