Top

Đẩy mạnh quy hoạch nông thôn và đổi mới cách thức quản lý đô thị

Cập nhật 10/02/2010 16:30

Đây là 2 trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong năm 2010. Ngay từ thời điểm đầu năm, Bộ Xây dựng đã sớm đưa ra những giải pháp để triển khai hiệu quả 2 nhiệm vụ trên.


Đến năm 2011, tất cả các xã trong cả nước sẽ được phủ kín quy hoạch.

Tập trung cao cho công tác quy hoạch nông thôn

Thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại theo Nghị quyết 26/NQ/TW của Trung ương Đảng về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết 24/2008/NQ-CP của Chính phủ “Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn cần phải đi trước một bước làm cơ sở đầu tư, phát triển hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Xây dựng nông thôn mới bền vững”, năm 2009, Bộ Xây dựng đã ban hành các thông tư về lập thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn (QHXDNT), tiêu chuẩn, quy chuẩn QHXDNT mới.

Đồng thời, Bộ cũng xây dựng và hoàn thiện đề án rà soát QHXDNT trên phạm vi cả nước để từ đó tìm kiếm giải pháp nâng cao vai trò của QHNT, đẩy nhanh tiến độ phủ kín quy hoạch toàn bộ các xã theo mục tiêu Chính phủ đề ra là đến hết năm 2011 phải hoàn thành QHXDNT trên phạm vi cả nước. Cũng trong năm 2009, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo triển khai QHXD thí điểm 11 xã theo tiêu chí nông thôn mới cùng Đề án “Nghiên cứu mô hình QHXDNT mới” để từ đó nhân rộng, áp dụng triển khai rộng rãi...

Tuy nhiên, những chương trình nói trên mới đang giai đoạn khởi động, chưa thể đem lại hiệu quả tức thì. Trong khi đó, theo rà soát của Bộ, hiện cả nước có khoảng 9.100 xã nhưng mới chỉ có xấp xỉ 24% trong số này đã có QHXD. Hơn thế, sự phân bổ các xã có QHXD không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Các xã có quy hoạch chủ yếu tập trung vào quy hoạch trung tâm xã. Số lượng các đồ án quy hoạch xây dựng nhìn chung còn yếu, tính khả thi chưa cao. Các động lực phát triển thị tứ, trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn được xác định không đầy đủ, không thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển…

Thực trạng trên đòi hỏi ngành Xây dựng tiếp tục nỗ lực, quyết tâm và tập trung cao hơn nữa trong công tác phủ kín QHNT. Bộ Xây dựng xác định: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2010 là phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai lập QHXDNT theo thứ tự ưu tiên. Nhóm ưu tiên thứ nhất bao gồm các xã thuộc chương trình giảm nghèo bền vững đối với huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP); các xã thuộc các chương trình 134, 135; các xã cận đô thị; các xã khu kinh tế, KCN tập trung, cụm công nghiệp; các xã có quốc lộ chính đi qua; các xã thuộc khu vực hải đảo và dọc biên giới.

Nhóm ưu tiên thứ hai gồm các xã có tiềm năng và động lực gắn kết với một trong những khu vực mang tính động lực phát triển đã hình thành và hoạt động như khu kinh tế, KCN tập trung…; các xã có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp như trung tâm chế biến nông sản, vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi đặc sản; các làng nghề truyền thống, có tiềm năng khai thác du lịch. Và các xã trong khu vực dự kiến hình thành các trung tâm mang tính động lực phát triển trong tương lai.

Nhóm ưu tiên thứ ba gồm các xã còn lại. Khi lập quy hoạch xây dựng nông thôn cho nhóm đối tượng này cần ưu tiên các xã có kết cấu hạ tầng nông thôn quá kém nhằm mục tiêu ổn định dân cư, nâng cao đời sống.

Cũng trong năm 2010, Bộ sẽ xây dựng, hoàn thiện nội dung và phương pháp luận QHXDNT trong đề án nghiên cứu mô hình nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển nông thôn trong nền kinh tế thị trường, phù hợp với năng lực cán bộ và giải quyết được các mâu thuẫn phát sinh trong phát triển nông thôn hiện nay. Bộ cũng sẽ rà soát và điều chỉnh về trình tự tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ và đồ án QHXDNT với yêu cầu giảm thiểu thời gian lập, xét duyệt nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đồ án, thuận lợi cho việc quản lý nông thôn theo quy hoạch được duyệt.

Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tập huấn, đào tạo cán bộ thuộc các cơ quan tư vấn tại địa phương, cán bộ quản lý nhà nước về QHXDNT cấp huyện, xã.


Đổi mới cách thức quản lý đô thị

Năm 2010 cũng là năm Bộ Xây dựng tập trung giải quyết tồn tại trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, đặc biệt là công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch. Bộ sẽ hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của luật Quy hoạch Đô thị về nội dung các đồ án QH chung, QH chi tiết và làm rõ phạm vi nghiên cứu, mục miêu và hồ sơ thẩm định của từng loại đồ án nói trên. Đặc biệt, Bộ tiếp tục triển khai công tác hướng dẫn lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị cho 4 đô thị là Nha Trang (Khánh Hòa), Biên Hòa (Đồng Nai), Lào Cai, Hải Dương, làm cơ sở để nhân rộng cho các đô thị trên toàn quốc. Quy chế thí điểm gồm 3 nội dung chính gồm đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000-1/500 khu vực được chọn, thiết kế đô thị; mô hình (sa bàn) đô thị phản ánh nội dung đồ án thiết kế đô thị với tỷ lệ 1/2000 - 1/1000; và quy chế quản lý.

Việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch đô thị có ý nghĩa và giá trị thực tế với cả người dân và nhà quản lý đô thị. Với người dân, họ được thông báo công khai quy hoạch, theo đó người dân biết, hiểu, tuân thủ và giám sát quá trình quản lý đô thị và hạn chế nảy sinh tiêu cực trong cơ quan quản lý. Trước đó, người dân ít nhiều đã được công bố công khai quy hoạch nhưng không phải người dân nào cũng đủ trình độ để đọc, hiểu được đồ án quy hoạch. Với thiết kế đô thị và sa bàn (mô hình) thể hiện chi tiết từng ngôi nhà, con đường, vỉa hè, cái cây, cột điện, hình khối kiến trúc, màu sắc… thì người dân ở bất kỳ trình độ nào cũng có thể dễ dàng nhận biết công trình trong khu vực thiết kế đô thị sẽ được xây dựng như thế nào.

Còn đối với nhà quản lý đô thị thì quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch đô thị (do UBND TP phê duyệt) không chỉ là những căn cứ pháp lý để cấp phép xây dựng, thanh tra, kiểm tra và chịu sự giám sát của cộng đồng mà bản thân nhà quản lý cũng không thể tùy tiện thay đổi, điểu chỉnh quy hoạch, cấp đất...

Để hỗ trợ 4 thành phố trong việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 - 1/500, thiết kế đô thị, lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, Bộ Xây dựng giới thiệu Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP) là đơn vị tư vấn phối hợp với đơn vị tư vấn tại địa phương và tư vấn nước ngoài (nếu có) để thực hiện. VIAP sẽ thực hiện các dịch vụ tư vấn với 4 thành phố theo hợp đồng kinh tế và chịu trách nhiệm trước Bộ Xây dựng và các thành phố về chất lượng cũng như tiến độ công việc. Bộ cũng giao Viện Kinh tế Xây dựng hướng dẫn xác định các vấn đề có liên quan đến chi phí triển khai thực hiện. Vụ Kiến trúc Quy hoạch xây dựng là đầu mối, có trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi các địa phương trên trong việc lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.

Đây là mô hình thí điểm nâng cao năng lực quản lý đô thị, tiến tới có thể xóa bỏ cấp phép xây dựng ở những khu vực đã phủ thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị có hiệu lực. Dự kiến, mô hình thí điểm ở 4 đô thị nói trên sẽ được hoàn thành trong tháng 6/2010. Việc thí điểm quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị sẽ đem lại hiệu quả thực sự trong công tác quản lý đô thị, góp phần nâng cao chất lượng đô thị; Bộ Xây dựng sẽ tổng kết các kinh nghiệm thành công tại các thành phố thí điểm để tiếp tục nhân rộng ra 754 đô thị trong toàn quốc

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng