Top

Chuẩn bị di dời 1.800 hộ dân khu phố cổ sang Gia Lâm

Cập nhật 07/07/2011 09:40

Chiều 6/7, UBND Thành phố Hà Nội đã có cuộc họp với quận Hoàn Kiếm và một số Sở, ngành liên quan về việc thực hiện Đề án giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm tại khu đô thị mới Việt Hưng. Theo đó, dự kiến có khoảng 1.800 hộ dân sẽ di chuyển trong giai đoạn 1 của đề án giãn dân, chiếm khoảng 1/3 trong 6.500 hộ cần giãn dân của khu vực trung tâm này.

Khu phố cổ nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm có tổng số dân theo kết quả điều tra khảo sát năm 2009 khoảng 66.660 người với mật độ 840 người/ha. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2020, khu vực này phải giảm mật độ dân số xuống còn 500 người/ha (40.460 dân toàn khu vực) để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vật thể của khu phố cổ; như vậy sẽ phải di chuyển 26.200 người

Dự án giãn dân phố cổ là một dự án có tính chất đặc thù, chưa có tiền lệ, mặc dù thành phố đã có chủ trương từ khá lâu nhưng do những yếu tố chủ quan và khách quan, dự án này hiện mới đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Hiện đã có 255 trong số 853 hộ dân được hỏi đồng ý di chuyển.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ dân (khoảng 7.200 dân) đang sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ và các hộ dân tự nguyện di chuyển sang định cư tại khu đất 11,12 ha tại khu đô thị mới Việt Hưng - Long Biên.

Đây là một phần trong tổng số trên 6.500 hộ cần giãn dân ở phố cổ với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng, xây nhà tái định cư lên tới gần 4.300 tỉ đồng.

Nhà ở giãn dân tại Khu đô thị mới Việt Hưng là nhà thấp tầng gắn liền với mặt phố, phù hợp với thói quen, lối sống của người dân trong khu phố cổ. Có gần 40% hộ dân ở phố cổ di dời về đây sẽ có chỗ kinh doanh.

Để thực hiện Dự án này có hiệu quả, quận Hoàn Kiếm dự kiến sẽ lập 2 dự án gồm Dự án “Tổ chức di dời các hộ dân di khỏi khu vực phố cổ” và Dự án “Đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng”. Đồng thời, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù phục vụ công tác giãn dân phố cổ như chính sách ưu đãi về nhà ở, ưu đãi về giá bán nhà, cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư…

Tuy vậy, hiện còn có hai vấn đề chưa được cụ thể hóa trong đề án, đó là cơ chế kiểm soát tăng dân số trở lại và quy hoạch khu phố cổ sau khi giãn dân. Vì vậy, để Đề án có tính khả thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm bổ sung Dự án trong tháng 7 để trình các cấp, và duyệt Đề án vào tháng 8/2011.

Ngày 20/7/2011 tới, Sở Quy hoạch Kiến trúc trình Thành phố quy hoạch chi tiết khu đất giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng. Trên cơ sở đó, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tốt các bước chuẩn bị thực hiện Dự án “Đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Việt Hưng”.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia