Với 63 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 11-7 (giờ địa phương) đã thông qua một dự luật nhằm giúp hàng trăm ngàn người Mỹ giữ lại nhà ở của họ trong lúc cuộc khủng hoảng tịch thu tài sản do nợ thế chấp ngày càng nghiêm trọng ở nước này.
Dự luật bao gồm hàng loạt các biện pháp như cải tổ Cơ quan quản lý nhà đất liên bang (FHA), thiết lập cơ chế giám sát mới đối với 2 công ty Fannie Mae và Freddie Mac, vốn đã đổ hàng ngàn tỷ USD vào lĩnh vực cho vay thế chấp tại Mỹ.
Dự luật cũng bao gồm khoản cứu trợ khẩn cấp 300 tỷ USD để FHA hỗ trợ hàng trăm ngàn gia đình đã và đang có nguy cơ bị mất nhà do không thể vay thêm được tiền để trang trải các khoản nợ....
Dự luật trên được thông qua đúng thời điểm 2 công ty cho vay thế chấp khổng lồ của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac đang trên bờ một cuộc khủng hoảng và đã làm sụt giảm mạnh các loại cổ phiếu chủ lực trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ngày 11-7, chỉ số Dow Jones của 30 tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ và nhiều loại cổ phiếu khác đồng loạt sụt giảm mạnh.
Những thông tin ảm đạm về thị trường bất động sản của Mỹ và khả năng sụp đổ của nhiều tập đoàn tài chính đã khiến đồng USD rớt giá kỷ lục so với các đồng tiền mạnh khác.
Ngày 12-7, 1 euro từ mức chỉ đổi 1,5789 USD đã tăng lên 1,5894, có lúc lên 1,5943. Mức giá này chỉ còn kém mức kỷ lục 1 euro= 1,6019 hôm 22-4. Đồng USD cũng đã giảm so với đồng yen của Nhật Bản từ mức 1 USD=107,02 yen xuống còn 106, 19 yen.
Theo Sài Gòn Giải Phóng