Mức giá trung bình cho nhà ở và văn phòng tại Hong Kong hiện quay trở lại thời điểm năm 2008 ở mức 116.000 USD/người/năm trong khi chi phí bất động sản tại London tăng 10,6%. Điều này đưa London trở thành nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới với 121.000 USD/năm. Trong khi đó tại các quốc gia phát triển, thuê nhà là lựa chọn khá phổ biến
Nước nào người dân thuê nhà nhiều nhất?
Người dân nước nào thuê nhà nhiều nhất đã được CBRE thống kê trong một báo cáo mới đây. Theo đó tỷ lệ thuê nhà ở các quốc gia phát triển cao hơn các quốc gia đang phát triển.
Căn cứ vào thống kê của CBRE, tỷ lệ thuê nhà ở Mỹ là 35%, Anh 33%, Canada 31%, Đức 47%, Pháp 37%, Úc 33% và cao nhất là ở Thụy Sỹ 56%. Đặc biệt, thành phố lớn của các quốc gia phát triển như London, New York tỷ lệ thuê thường ở mức cao với 41% và 54% hoặc ở Amsterdam trên 70%.
Như vậy có thể thấy tại các quốc gia phát triển, thuê nhà là lựa chọn khá phổ biến. Đây là sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Khả năng tài chính hiện đang là trở ngại lớn nhất của nhiều người trong việc mua nhà. Và đây cũng là yếu tố đầu tiên phải cân nhắc đối với hầu hết người mua nhà. Hiện tại, chi phí sở hữu nhà ở so với thu nhập bình quân đầu người ở một vài nước châu Âu là 9 lần, Mỹ là 8 lần, tỷ lệ này cao hơn một chút ở các nước châu Á như Singapore (34 lần), Nhật (25 lần), Đài Loan (32 lần). Còn tại Việt Nam, tỷ lệ này trung bình là 15 lần ở Tp.HCM và 26 lần ở Hà Nội.
Biểu đồ tỷ lệ sở hữu nhà ở các quốc gia
|
Bên cạnh đó, yếu tố nhân khẩu học cũng đóng vai trò quan trọng. Nhóm người trẻ sống độc thân ở các nước châu Âu hay Mỹ lớn hơn gấp nhiều lần so với châu Á. Những người này thường là những tân cử nhân, mong muốn sống ở nơi thuận tiện gần các hoạt động kinh tế nhưng chưa thể tự mua nhà. Bởi vậy, họ có thể sẵn sàng để trả tiền thuê hàng tháng để tiết kiệm để mua nhà ở những năm về sau và phát triển sự nghiệp.
Tính chất công việc, động cơ cũng như chính sách có vai trò nhất định trong quyết định mua hay thuê nhà. Đơn cử như ở nước Đức, các quy định pháp luật hiện hành có lợi hơn cho người thuê nhà. Cụ thể, luật pháp Đức cho phép Nhà nước áp đặt trần tăng giá thuê tăng tối đa 15% trong ba năm. Hơn nữa, không giống như Anh hay Mỹ, Chính phủ Đức cấm khấu trừ lãi suất cho vay nhà khỏi thu nhập chịu thuế.
Pháp luật Liên minh châu Âu quy định việc hỗ trợ các công dân ở đây tự do di chuyển từ nước này sang nước khác để tìm việc làm. Vì vậy đã dẫn đến người nhập cư đến các thành phố lớn của nước phát triển để tìm việc làm có mức thu nhập cao và mức sống tốt hơn ngày càng nhiều. Điều đó tạo ra nhu cầu đối với nhà cho thuê tại các thành phố đích đến. Vì khả năng chuyển đến làm việc tại các thành phố khác nên nhiều người xác định chỉ sở hữu nhà tạm thời.
London - thành phố đắt đỏ nhất thế giới
Theo phân tích mới nhất từ Công ty Tư vấn bất động sản quốc tế Savills, London đã vượt qua Hong Kong, thành phố trước đó đã đứng đầu bảng xếp hạng trong 5 năm liên tiếp, để trở thành nơi đắt đỏ nhất thế giới.
Xếp ở vị trí kế tiếp trong danh sách 4 thành phố hàng đầu là New York và Paris, nơi có giá thuê nhà ở và văn phòng vượt ngưỡng 100.000 USD/người/năm.
Bảng xếp hạng 12 thành phố có chi phí sống đắt nhỏ nhất trên thế giới - Nguồn: Nghiên cứu Savills Toàn cầu
|
Trong khi chi phí bất động sản tại Hong Kong đã giảm 5,6% trong 6 tháng đầu năm 2014, tương đương mức giảm cả năm là 11,2% (tính theo đô la Mỹ), mức giá trung bình cho nhà ở và văn phòng tại Hong Kong hiện quay trở lại thời điểm năm 2008 ở mức 116.000 USD/người/năm thì chi phí bất động sản tại London tăng 10,6%. Điều này đưa London trở thành nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới với 121.000 USD/năm.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân phần lớn là do sự tăng giá mới đây của đồng bảng Anh so với đô la Mỹ. Nhìn chung, chi phí nhà ở và văn phòng ở London đã tăng 39% kể từ năm 2008. Mặc dù có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng (vị trí số 5 lên vị trí số 1 từ năm 2008) London vẫn còn thua chi phí sống/làm việc đạt kỷ lục của Hong Kong trong năm 2011 ở mức 128.000 USD/năm.
Chỉ số đã đo lường tổng chi phí thuê nhà ở và mặt bằng văn phòng của từng nhân viên trên 1 USD ở 12 thành phố đẳng cấp thế giới. Sự dao động trong tổng chi phí sống/làm việc phản ánh không chỉ thế mạnh của các thị trường nhà ở và văn phòng, mức thuế và chi phí người thuê trả ở thành phố sở tại, mà còn ảnh hưởng của sự dao động tỷ giá lên chi phí hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Chính điều này đã đóng góp phần lớn cho sự vượt lên mới đây trong bảng xếp hạng của London.
Hong Kong là thành phố "Thế giới mới" duy nhất có mặt trong danh sách 5 thành phố hàng đầu. Do vị trí của nó liên quan và tương tác mạnh mẽ với các thị trường mới nổi của Trung Quốc đại lục, Hong Kong không thể thoát khỏi danh hiệu này trong tương lai dù đã thực hiện các biện pháp hạ nhiệt. Hiện tại, Hong Kong vẫn là thành phố đắt đỏ nhất để sở hữu nhà ở với mức giá cao hơn 40% so với London.
Tokyo đã tụt 2 bậc trên bảng xếp hạng (từ thứ 3 xuống vị trí thứ 5), do giá thuê bị giảm sút hay đóng băng sau năm 2008 và giảm 23% tính theo đô la Mỹ. Tuy nhiên, gần đây các chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics) đã cải thiện các điều kiện kinh tế cũng như thúc đẩy giá thuê. Sự sụt giảm mạnh của đồng Yen đã làm giá thuê nhà ở Tokyo trở nên cạnh tranh hơn, nhưng sự tăng trưởng giá thuê đồng thời cũng đã khích lệ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước. Với mức giá 76.000 USD/người, nó thực sự rẻ hơn rất nhiều cho các công ty muốn đặt trụ sở ở Tokyo hơn là ở 4 thành phố đang dẫn đầu.
Ở gần cuối bảng xếp hạng, Rio de Janeiro và Sydney đã cho thấy sự tăng lên mạnh mẽ trong chi phí sống/làm việc kể từ năm 2008, với mức tăng 85% và 58% một cách tương ứng, mặc dù Rio vẫn có vẻ cạnh tranh hơn với chi phí ở khoảng 32.000 đô la Mỹ/người. Mặt khác, Mumbai vẫn giữ ngôi vị là thành phố có mức chi phí rẻ nhất với khoảng 30.000 USD/người/năm, giảm 21% kể từ năm 2008.
Yolande Barnes, Giám đốc Nghiên cứu Savills Toàn cầu cho biết: "Năm nay nhìn chung giá bất động sản của hầu hết các thành phố đều tăng khá khiêm tốn trong khi một số lại cho thấy sự sụt giảm nhẹ. Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục khi mà sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như hoạt động thị trường đang chuyển sang các thành phố cấp 2”.
Trong báo cáo mới nhất về 12 thành phố đẳng cấp thế giới, các thành phố nói trên đã thống trị bảng chỉ số sống/làm việc kể từ khi được công bố vào năm 2008. Điều này cho thấy sau khủng hoảng kinh tế, thị trường nhà ở và thương mại tại các thành phố phát triển lâu đời ổn định hơn so với các thành phố thế giới mới nổi gần đây.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng