Một dự án phát triển đô thị gần trung tâm thủ đô Vientiane đang làm dấy lên mối quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Lào.
Đầm lầy thành phố thị
Dự án “thành phố vệ tinh” như cách nói của báo chí Lào có mục đích phát triển một khu đô thị mới, hiện đại trên vùng đầm lầy That Luang rộng 20 ki lô mét vuông phía Đông Bắc thủ đô Vientiane.
Khu đầm lầy này nằm dưới chân một ngọn đồi thấp mà trên đồi có ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng, cũng là biểu tượng quốc gia - chùa That Luang - và là nơi đặt trụ sở Quốc hội Lào.
Theo dự án, một tập đoàn liên doanh Lào - Trung Quốc - gồm một công ty địa phương của Lào góp 5% cổ phần và ba công ty Trung Quốc góp 95%, do Công ty Đầu tư Hải ngoại Khu công nghiệp Tô Châu, tỉnh Giang Tô dẫn đầu - sẽ được quyền sử dụng 1.640 héc ta đất của khu đầm lầy trong vòng 50 năm, có thể gia hạn thêm 25 năm, để phát triển một thành phố theo mô hình các khu đô thị công nghiệp ở Trung Quốc.
Ông Somsavat Lengsavad, Phó thủ tướng thường trực của Chính phủ Lào, cho biết phía Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc kinh doanh các cửa tiệm, khách sạn, khu dân cư trong thành phố mới và Lào sẽ có một đô thị hiện đại mà không tốn kinh phí xây dựng.
Khi thời hạn nhượng quyền sử dụng đất kết thúc, công trình sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho Chính phủ Lào.
Ông Phó thủ tướng cũng cho biết rằng, việc nhượng khu That Luang cho các công ty xây dựng Trung Quốc là điều kiện để Lào được Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDC) cho vay 100 triệu đô la Mỹ, dùng vào việc xây dựng sân vận động quốc gia 20.000 chỗ ngồi phục vụ SEA Games sẽ diễn ra tại Vientiane năm tới.
Chính phủ Lào hy vọng sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực này sẽ giúp quảng bá hình ảnh nước Lào như một điểm đến hấp dẫn về đầu tư và du lịch.
Ông Sinlavong Khoutphaythoune, Thị trưởng thành phố Vientiane, cũng cho rằng việc để cho các công ty Trung Quốc xây dựng thành phố mới phù hợp với chính sách của Lào là tận dụng mọi nguồn tài nguyên, kể cả đất đai, để phát triển đất nước.
Bắt đầu cuộc chinh phục mới
Nhưng người dân và giới truyền thông Lào tỏ ra lo ngại trước những mặt tiêu cực của dự án. Khu đầm lầy That Luang có vai trò quan trọng về sinh thái; nó được coi là hồ tích nước tự nhiên trong mùa mưa, ngăn chặn lũ lụt cho thủ đô Vientiane.
Khu đầm cũng cung cấp nguồn lợi thủy sản và đất trồng lúa cho hơn 3.000 hộ gia đình sinh sống trong 17 thôn làng. Giá trị của đầm lầy That Luang trong việc ngăn chặn lũ lụt hàng năm được Quỹ Đời sống Hoang dã thế giới (WWF) đánh giá vào khoảng 20 triệu đô la Mỹ.
Đáng lo hơn là ảnh hưởng của Trung Quốc. Bản vẽ phối cảnh của khu đô thị mới đăng trên báo chí Lào cho thấy hình ảnh một khu nhà chọc trời giống như khu Manhattan ở Trung tâm New York, Mỹ.
Người ta nói rằng, nó sẽ thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao như Khu công nghệ cao Tô Châu ở Giang Tô, Trung Quốc.
Vấn đề đang được bàn cãi là Lào có nên và có thể sao chép những thành công về thương mại như vậy hay không. Việc xây dựng công trình có quy mô lớn như vậy đòi hỏi nhiều nhân công có tay nghề và người ta không biết Lào lấy đâu ra nguồn nhân lực đó.
Hiện thời, để xây sân vận động SEA Games, tập đoàn xây dựng Vân Nam - nhà thầu chính - đã phải “nhập khẩu” hàng ngàn chuyên gia và công nhân từ Trung Quốc.
Chính vì thế ở Vientiane đã dấy lên lời đồn đoán rằng sẽ có 50.000 cư dân Trung Quốc được đưa tới sinh sống trong các khu dân cư sắp được xây dựng và người Lào lo ngại người Trung Quốc sẽ chi phối đời sống kinh doanh, văn hóa và xã hội của thủ đô Vientiane.
Số liệu của chính phủ cho biết hiện có 30.000 người Trung Quốc sinh sống ở Lào song hầu hết các nhà phân tích tin rằng con số thực phải cao hơn khoảng chục lần.
Ở miền Bắc Lào, nơi các công ty Trung Quốc xây dựng đường sá hoặc đầu tư làm trang trại nông nghiệp đã mọc lên hàng loạt khu dân cư và cửa tiệm của người Trung Quốc.
Thậm chí ở vùng Boten thuộc tỉnh Luang Nam Tha giáp biên giới Lào - Trung Quốc, các thôn làng người bản địa đều bị di dời sâu vào nội địa, xa hẳn con đường nhựa dọc biên giới do Trung Quốc tài trợ và xây dựng - hai bên đường hiện đã có nhiều doanh nghiệp, khách sạn và cửa hàng của người Trung Quốc, bán hàng Trung Quốc cho người Trung Quốc là chính.
Điển hình của chiến lược “quyền lực mềm”
Dự án đô thị mới ở khu đầm lầy That Luang là bước mới nhất trong quan hệ kinh tế Lào-Trung Quốc. Tại Vientiane, Trung Quốc đã tài trợ xây dựng Cung Văn hóa quốc gia trị giá 7 triệu đô la Mỹ, tài trợ xây dựng Đại lộ Trung tâm dài 13 ki lô mét dẫn tới Đài Chiến thắng ở trung tâm thủ đô và tân trang khu công viên quanh tượng đài.
Trên lĩnh vực thương mại, ngày 1-8 năm ngoái, trung tâm mua sắm hiện đại đầu tiên của Lào, có kinh phí xây dựng 6 triệu đô la, được khai trương ở quận Sikhottabong phía Tây Vientiane.
Ông Ding Guo Jiang, Chủ tịch Công ty San Jiang Trung Quốc, nhà đầu tư chính, xác nhận với báo chí rằng, “Đây là khu chợ bày bán hàng Trung Quốc lớn nhất Đông Nam Á và là điểm tụ họp các thương nhân Trung Quốc làm ăn ở Lào”.
Đến nay trong 300 gian hàng của trung tâm thương mại đã có hơn 200 gian do các thương nhân Trung Quốc thuê sử dụng và 80% hàng hóa bày bán trong trung tâm là hàng Trung Quốc.
Trung tâm thương mại Sikhottabong chỉ là một phần trong một dự án to lớn hơn mà Bộ Thương mại Lào gọi là “Trung tâm Hữu nghị Lào-Trung Quốc” - một phần của khung hợp tác giữa hai chính phủ, có diện tích đất lên tới 17,4 héc ta và vốn đầu tư 18 triệu đô la Mỹ.
Phía Trung Quốc cũng được nhượng quyền sử dụng đất 50 năm để xây dựng khách sạn, nhà hàng và các trung tâm mua sắm.
Nhìn rộng ra, trung tâm này cũng chỉ là một trong ba khu thương mại mà người Trung Quốc đã xây dựng tại Lào; hai khu còn lại là Trung tâm Biên mậu Boten trên biên giới Lào-Trung và chợ Trung Quốc Nong Duang ở thủ đô Vientiane. Cả ba dự án thương mại này đều gây nhiều tranh cãi trong dư luận ở Lào.
Theo báo chí Trung Quốc, Lào được coi là một điển hình về sự thành công của chiến lược “quyền lực mềm” mà Trung Quốc đang theo đuổi để mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới.
Trung Quốc đã đồng ý xóa phần lớn khoản nợ 1,7 tỉ đô la Mỹ mà Lào vay mượn, đồng thời cho vay không lãi suất khoản tiền gần 500 triệu đô la để giúp Lào ổn định kinh tế-tiền tệ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.
Dự án đô thị mới That Luang ở Vientiane được dư luận đồn đoán là một sự “đền đáp” của Lào dành cho sự tài trợ hào phóng của Bắc Kinh. Kim ngạch buôn bán giữa hai nước hiện cũng đã lên tới 249 triệu đô la Mỹ, chưa kể buôn bán tiểu ngạch và hàng nhập lậu vào Lào.
Theo TBKTSG