Sự phát triển đô thị hóa với tốc độ nhanh ở Trung Quốc đã chiếm rất nhiều ruộng đất và do đó, nhiều nông dân đã bị mất nơi trồng trọt. Hiện nay, tổng số nông dân Trung Quốc mất đất đã vào khoảng 40-50 triệu, và còn gia tăng với tốc độ hơn 2 triệu người mỗi năm.
Ước tính, tiến trình đô thị hóa và xây dựng hạ tầng cơ sở mỗi năm cần trưng dụng từ 2,5 triệu - 3 triệu mẫu ruộng đất (1 mẫu bằng 1/15 héc ta hay khoảng 666 mét vuông, tức khoảng 160.000-200.000 héc ta). Nếu tính theo mức cứ mỗi nông dân ngoại thành có 0,7 mẫu thì mỗi năm sẽ có thêm 3,57-4,29 triệu nông dân mất ruộng đất.
Nhà đất "ăn thịt" người
Cũng theo thống kê, hiện nay đã có từ 30-50 triệu nông dân Trung Quốc không còn ruộng đất, và trung bình ruộng đất tính theo đầu người hiện nay chỉ còn 1,4 mẫu TQ (khoảng 805m2). Nếu tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc vẫn như hiện nay thì chỉ sau 10 năm nữa sẽ có 100 triệu nông dân thất nghiệp. Tại thế kỷ 15, người Anh có câu “cừu ăn thịt người” thì hiện nay tại Trung Quốc cũng đã có người nói “nhà đất ăn thịt người”.
Những người nông dân mất ruộng đất là nhóm người đặc biệt bởi họ mất ruộng tức là mất kế sinh tồn, nhưng quan niệm tư tưởng cũng như phương thức sinh hoạt lại không có được sự thay đổi căn bản. Họ cũng không có được những bảo hiểm xã hội mà người thành phố có được. Thay vào đó, họ quanh quẩn ở vùng giáp ranh, để rồi từ nông dân quá độ thành thị dân và cuối cùng trở thành một bộ phận của thị dân.
Hiện nay, thu nhập của nông dân mất ruộng đất đang giảm nghiêm trọng, hình thành quần thể nghèo khó mới. Theo điều tra, đã có tới trên 1/5 nông dân mất đất vùng ven biển miền Đông có mức sống sụt giảm rõ rệt, còn ở miền Tây lại càng đột xuất hơn. Tỉnh X miền Tây Nam có tới 20% nông hộ mất ruộng đất chỉ dựa vào tiền đền bù ruộng đất để sinh sống; 25,6% nông hộ cần giải quyết gấp vấn đề ăn uống; 24,8% nông hộ có thu nhập thấp hơn 625 NDT, ở vào tình trạng nghèo nàn tuyệt đối.
Theo điều tra năm 2004 của tỉnh Liêu Ninh tại 14 huyện (thị) thuộc hai thành phố Thẩm Dương và Phủ Thuận, rất nhiều nông dân đang hình thành quần thể nghèo nàn mới. Toàn thành phố Phủ Thuận đã có 88.781 hộ nông dân mất ruộng đất, trong đó, 217 hộ bị trưng dụng hết toàn bộ ruộng đất, tỷ lệ thất nghiệp tới 45,9%. Có 600 gia đình nông dân trước khi bị trưng dụng ruộng đất thu nhập ròng bình quân đầu người đạt 4.057,5 NDT, nhưng sau khi ruộng đất bị trưng dụng thì chỉ còn 2.985,3 NDT. Như vậy, thu nhập sau khi mất ruộng đất giảm 26,4%.
Trong mấy năm gần đây ở Trung Quốc, trung bình đã có tới trên 80.000 vụ nông dân gây sự và những vụ việc tương tự có xu thế ngày một tăng thêm. Cuối năm 2007, có tin nói hơn 100.000 nông dân các tỉnh Hắc Long Giang, Thiểm Tây và Giang Tô đòi chính quyền các cấp trả lại họ quyền sở hữu ruộng đất.
Nông dân ở thành thị
Tình trạng trên khiến nhiều thanh niên trai tráng phải vào thành phố làm thuê, từ 120 triệu đến 200 triệu người. Ruộng đất quê nhà hầu như do người trung niên, người già và trẻ em đảm nhiệm. Do vậy, năng suất không cao, cộng thêm chênh lệch giá khiến đời sống một bộ phận nông dân còn rất cơ cực.
Tuy nhiên, bất kể là xem xét từ góc độ chính trị, kinh tế hay văn hóa thì vốn liếng của nông dân vào thành phố làm thuê rất có hạn, nói chung là nếu không còn cách nào khác họ mới chịu ở lại thành phố.
Chẳng hạn, Hạ Môn là một thành phố mở cửa ven biển, đã tiếp nhận không ít nông dân các nơi tới làm thuê. Trong đó một nửa là người trong tỉnh (Phúc Kiến), người ngoài tỉnh thì Giang Tây nhiều nhất, sau đó là Tứ Xuyên, An Huy, Hà Nam, Hồ Bắc.
Hiện nay, thành phố Hạ Môn có khoảng 700.000 công nhân viên chức là dân ngoại tỉnh, trong đó có khoảng 600.000 nông dân vào thành phố làm thuê. Trong số công nhân xây dựng, công nhân ngành chế tạo của thành phố có tới trên 80%, ngành phục vụ ăn uống, bảo vệ có tới hơn 70%, trong khi 90% các bảo mẫu là nông dân vào thành phố làm thuê.
Thu nhập của 78,9% nông dân vào thành phố làm thuê tại Hạ Môn phần lớn vào khoảng 650-1.500 nhân dân tệ (NDT)*/tháng, trong đó lương tháng khoảng 650-1.000 NDT chiếm gần một nửa. Trong khi nếu ở quê, phần lớn thu nhập của họ chỉ từ 200-1.000 NDT/tháng, trong đó dưới 600 NDT chiếm 60,5%.
Tuy vậy, thống kê chính thức cho thấy, năm 2006 thu nhập bình quân của công nhân viên chức đang tại chức ở Hạ Môn là 2.129 NDT, trong khi 62,3% nông dân vào thành phố làm thuê thu nhập bình quân tháng chỉ là 501-1.000 NDT, về tổng thể là 1.076 NDT/tháng nhhưng ngoài tiền lương ra họ không có phúc lợi gì khác, muốn kiếm thêm tiền chỉ có cách làm thêm giờ, vì vậy số giờ làm việc trung bình/ngày của họ là 9,3 giờ, có tới 60% người làm từ 8-10 giờ/ngày, người làm nhiều nhất tới 20 giờ/ngày.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet