Top

Người Trung Quốc đổ tiền mua nhà khắp thế giới

Cập nhật 10/08/2015 11:03

Không chỉ tìm kiếm cuộc sống có môi trường trong lành, thực phẩm an toàn hơn, đối với nhiều người Trung Quốc, đầu tư nhà ở nước ngoài còn hứa hẹn mang lại nguồn lợi tức khá khẩm.

Khách Trung Quốc thường trao đổi qua e-mail với nhân viên công ty bất động sản, xem trước hình chụp của hàng chục căn nhà/căn hộ khác nhau và cuối cùng lựa chọn ra khoảng 10 căn nhà ưng ý nhất - Ảnh: Jason Collin

Những “khu nhà ma” ở Úc

Trong quá khứ, nhiều người dân tại Sydney và Melbourne (Úc) chắc không thế nào tin được, rồi cũng sẽ có ngày ở thành phố của họ tồn tại rất nhiều “khu nhà ma”.

Dĩ nhiên không phải bởi vì những khu nhà đó có ma, mà bởi rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ xô đến hai thành phố này mua nhà, và sau đó để không. Họ không mua để ở, mà chủ yếu để đầu cơ.

Nửa đầu năm 2015, người Trung Quốc đã mua đến 28% tổng lượng căn hộ mới ở Melbourne. Đối với tổng số nhà đất và căn hộ nói chung, con số này ở mức 11%.

Chính phủ Úc đã thắt chặt quy định mua nhà đối với người nước ngoài, thế nhưng dường như các biện pháp mới cũng chẳng thể cản được người Trung Quốc. Giá nhà ở Sydney và Melbourne vì thế tăng chóng mặt.

Đại diện nhiều công ty bất động sản tại Sydney cho biết trước đây, chủ yếu khách mua nhà tập trung ở phân khúc giá thấp, khoảng từ 500 nghìn đến 1 triệu USD. Thời gian gần đây, lượng người Trung Quốc mua nhà hạng sang giá nhiều triệu USD ngày một tăng. Có những người mua căn nhà đến 20 triệu USD.

Nhưng nhìn chung, mỗi năm họ thường chỉ đến căn hộ vài lần. Một số chủ nhà ủy quyền cho công ty bất động sản cho thuê lại, nhưng cũng có người chẳng thèm quan tâm đến điều đó.

Một nhà môi giới ở Sydney nói: “Họ rất giàu, vài chục nghìn USD tiền thuê nhà mỗi năm cũng chẳng làm họ bận tâm.”

Số liệu do báo The Australian công bố cho thấy khoảng 4.000 căn nhà mới mà người Trung Quốc mua trong 2 năm qua gần như bị bỏ trống hoàn toàn. Chính phủ Úc lập tức đưa ra biện pháp để giải quyết tình trạng này.

Theo đó, từ 1/12/2015, những người mua nhà mà không ở thường xuyên sẽ phải trả phí 5.000 USD cho căn nhà dưới 1 triệu USD; 10.000 USD cho nhà 2 triệu USD, mức tăng tương tự áp dụng cho căn nhà đắt hơn.

Từ tháng 7 năm nay, chính quyền bang Victoria (Úc) áp thuế 3% với người mua nhà mang quốc tịch nước ngoài. Ngoài ra, chủ nhà bỏ trống sẽ phải nộp thêm tiền thuế thuê đất.

Dù các biện pháp mới được đưa ra như vậy, thế nhưng các chuyên gia bất động sản khẳng định nó sẽ chẳng thể làm nản lòng nhà đầu tư Trung Quốc.

Đổ xô sang Nhật mua nhà

Những ngày này, văn phòng các công ty bất động sản ở Tokyo (Nhật Bản) lúc nào cũng đông chật khách Trung Quốc.

Rio Myamoto, nhân viên môi giới bất động sản của công ty TM Century, cho biết khách Trung Quốc đến ngày một nhiều và lựa chọn mua nhà rất cẩn thận, ví như một vị khách nữ của anh mới đây đòi xem đến hơn 10 căn nhà suốt hơn một tháng trời mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Người khách Trung Quốc đó chi 26 triệu Yên, tương đương khoảng 214 nghìn USD để mua căn hộ cũ tại khu vực quanh ga trung tâm Shinjuku, ga tàu đông đúc nhất thế giới, vì thích môi trường sống tiện nghi tại khu vực này. Rio nói, mỗi tháng anh phải làm việc với hàng chục khách Trung Quốc, và lượng khách tăng dần đều những năm gần đây.

Có những công ty bất động sản ở Nhật chỉ chuyên phục vụ cho khách Trung Quốc. Tamaki là một ví dụ, công ty này đã phục vụ khách Trung Quốc khoảng 15 năm nay. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ đại diện cho khách cho thuê lại nhà sau khi họ đã mua, chi trả phí quản lý.

Khách Trung Quốc thường trao đổi qua e-mail với nhân viên công ty bất động sản, xem trước hình chụp của hàng chục căn nhà/căn hộ khác nhau, và cuối cùng lựa chọn ra khoảng 10 căn nhà ưng ý nhất.

Sau đó, họ mua vé máy bay sang Nhật để đi xem thực tế và đưa ra quyết định cuối cùng. Nhân viên công ty Tamaki cho hay, khách Trung Quốc “xuống tiền” rất nhanh, thường chỉ 1-2 ngày sau khi đi xem bất động sản.

Tính toán của các chuyên gia bất động sản cho thấy số lượng khách Trung Quốc mua nhà ở Nhật tăng đều qua những năm gần đây.

Không chỉ mua những căn hộ hay nhà ở có giá tầm trung, khách Trung Quốc cũng mua rất nhiều bất động sản cao cấp. Những người Trung Quốc chi tiền mạnh tay như vậy chủ yếu hiện đang sống tại Đài Loan hay Hồng Kông. Ở hai khu vực này, họ có thể mang lượng tiền tùy thích ra khỏi biên giới mà không phải lo lắng về luật pháp.

Còn đối với những người Trung Quốc ở Trung Quốc đại lục, họ thường lách luật bằng cách chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông.

Không chỉ mua nhà ở khu vực Tokyo, lân cận Tokyo và xung quanh khu vực Nhật tổ chức Olympic 2020, người Trung Quốc còn lên cả vùng đảo cực bắc của Nhật, Hokkaido. Số lượng người Trung Quốc mua bất động sản ở Hokkaido ở thời điểm hiện tại tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ.

Ông Tatsuhiko Hisamitsu, chủ tịch công ty Total Brain chuyên theo dõi thị trường căn hộ, không thể giấu được sự ngạc nhiên với làn sóng người Trung Quốc mua nhà ở Nhật. Ông nói: “Ba năm trước đây, gần như không bao giờ có khách Trung Quốc đến Nhật mua nhà, nay con số ấy đã tăng chóng mặt”.

Theo ông, khách Trung Quốc mua nhà chủ yếu bởi những lý do sau: mua để đầu cơ với kỳ vọng giá nhà sẽ tăng cao hơn khi kinh tế Nhật phục hồi, Tokyo chuẩn bị tổ chức Olympic 2020, và cuối cùng là bởi đồng Yên yếu.

Thâu tóm bất động sản Mỹ

Năm 2015, lần đầu tiên trên thị trường bất động sản Mỹ chứng kiến một cuộc đổi ngôi mới: người Trung Quốc đứng đầu cả về số lượng và giá trị bất động sản mà họ mua tại Mỹ.

Suốt nhiều năm trước đó, vị trí này thuộc về người Canada.

Số liệu từ Realtors cho thấy trung bình người Mỹ dành 255.600 USD để mua một căn nhà tại Mỹ thì con số này đối với người Trung Quốc lên đến 831.000 USD. Người Trung Quốc hiện chiếm 16% trong tổng số người nước ngoài mua nhà tại Mỹ.

Trước đây, người Canada mua rất nhiều nhà ở Mỹ để phục vụ cho mục đích sinh sống, nghỉ ngơi. Thế nhưng những năm gần đây, con số này giảm mạnh khi đồng đôla Canada yếu đi.

Ở thời điểm hiện tại, đồng USD đang mạnh lên, không ít chuyên gia dự báo số lượng nhà đầu tư Trung Quốc trên thị trường bất động sản Mỹ sẽ giảm đi trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy