Top

Chăm lo nhà ở cho toàn dân - bài học kinh nghiệm từ Singapore

Cập nhật 25/03/2008 10:00

Singapore có 633km2, dân số hơn 4 triệu người. Mật độ dân số 4.800 người/km2, trong nội thành lên tới 8.800 người/km2. Singapore là một trong những nước có mật độ dân số đông nhất thế giới, vì vậy vấn đề nhà ở cho nhân dân rất nan giải, nhưng chưa đầy 30 năm sau ngày độc lập, Singapore đã giải quyết thành công vấn đề nhà ở cho dân - trên 90% dân số đã được làm chủ sở hữu ngôi nhà của mình. Đó là một kỳ tích.

Đầu những năm 1960, Singapore thành lập Cục Phát triển nhà ở với nhiệm vụ quy hoạch và phát triển những thị trấn mới, làm mới và cải tạo các khu ở để đáp ứng yêu cầu của dân, phân phối và quản lý công bằng và có hiệu quả, đặt ra hoặc bổ sung những chính sách về nhà ở của địa phương, đẩy nhanh kỹ thuật xây dựng và tri thức chuyên môn về nhà ở, xây dựng thành một tổ chức vừa có hiệu suất cao, vừa có khả năng động viên công chức làm việc ngày càng tốt hơn.

Việc thành lập Cục Phát triển nhà ở đã từng bước thoả mãn yêu cầu về nhà ở của nhân dân, từ đó khiến cho sự phát triển nhà ở công cộng của Singapore có bước phát triển nhảy vọt. Qua cố gắng hơn 30 năm, có 87% dân số Singapore được ở trong hơn 60 vạn căn hộ khép kín do Cục Phát triển nhà ở xây dựng, trong đó có hơn 3/4 được ở căn hộ khép kín.

Vì sao trong một thời gian ngắn Singapore đã thu được nhiều thành tựu như vậy? Theo đánh giá, có thể kể ra một số kinh nghiệm dưới đây:

1. Chính phủ ủng hộ và giúp nhiều về tài chính

Sự giúp đỡ và ủng hộ về tài chính của Chính phủ chủ yếu thể hiện trên hai mặt: Một là, xác định phương châm và đề ra những pháp quy liên quan; hai là, giúp đỡ về tài chính đối với việc xây cất các khu nhà ở công cộng. Nhà nước ban bố "Pháp lệnh về trưng dụng đất đai", bảo đảm có đủ đất dùng. Chính phủ chịu trách nhiệm di chuyển và thu xếp cho các doanh nghiệp và cá nhân có đất bị trưng dụng. Nhà nước cho phép Cục Phát triển nhà ở vay tiền với lãi suất thấp với hai loại: Một loại dành cho các hoạt động nghiệp vụ của Cục để xây cất nhà ở, một loại cho các hộ mua nhà vay tiền để mua.

2. Đẩy mạnh chính sách hợp lý về nhà ở

Từ năm 1964, Singapore bắt đầu thực hiện chính sách người người có nhà ở. Từ năm 1968 trở đi thực hiện chế độ "để dành tiền mua nhà". Phần lớn những gia đình ở tại các căn hộ khép kín đều mua nhà theo hình thức để dành tiền do Nhà nước Trung ương đứng ra quản lý. Chính phủ cho các hộ mua nhà vay với lãi suất cao hơn 0,1% lãi suất tiền gửi của họ gửi vào tiết kiệm để dành mua nhà. Người mua có thể trả dần, lâu nhất là 25 năm.

Từ năm 1960 đến năm 1991, Cục Nhà ở đã bán 539.602 căn hộ khép kín và 5.258 căn hộ loại trung bình trả góp và phòng tập thể. Từ khi thực hiện chế độ "để dành tiền mua nhà", số tiền phải gửi để dành không ngừng điều chỉnh, lúc cao nhất nộp 50%, từ 1/7/1992 nộp 40% (các ông chủ nộp 18%, người làm công nộp 22%). Tiền để dành chia làm ba loại theo tính chất và phạm vi sử dụng. Giá bán của căn hộ cũng phải phù hợp với sức mua của nhân dân. Từ khi thực hiện chế độ "để dành tiền mua nhà", nhân dân chỉ cần rút ra 1/5 thu nhập của mình để đóng góp là có thể có phòng ở.

Singapore bắt tay giải quyết vấn đề nhà ở ngay từ buổi đầu khó khăn nhất, từng bước tuần tự, giải quyết dần dần. Lúc đầu cho người có nhà ở, như là "một miếng khi đói", rồi giãn dần các hộ đông, sau cải thiện điều kiện nhà ở theo phương châm "vẽ gấm thêm hoa". Những năm 60 xây nhiều nhà tập thể, những năm 70 xây khu Hồng Mậu Kiều, những năm 80 xây khu Bích Sơn, càng về sau càng nâng cao hơn. Thể hiện qua việc thiết kế diện tích các căn hộ; lúc đầu bức bách nên xây nhỏ, về sau xây rộng rãi hơn; căn hộ nhiều người thích ở nhất là loại 3 phòng (2 phòng 1 sảnh); năm 60 họ chỉ xây diện tích 50m2; năm 1967 xây thành 60m2; năm 1974 xây 69m2; năm 1979 xây 75m2.

3. Quản lý ngành nghề tốt

Cục Phát triển nhà ở là cơ quan quản lý nhà ở lớn nhất của Singapore. Nhà ở kiểu căn hộ khép kín do Cục Xây dựng và quản lý chia làm 7 loại. Các dịch vụ chuyên nghiệp về quy hoạch, thiết kế khu căn hộ đều do Cục làm. Việc thi công xây dựng thông qua đấu thầu công khai. Cục xây dựng xí nghiệp gạch, xí nghiệp cát và tạo tự khai đá hoa cương, hợp tác với ngành chế tạo để sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép, gạch tiêu chuẩn và chuyên cung cấp vật liệu như tấm nhựa cho Cục sử dụng.

Kinh nghiệm xác định mục tiêu cho chương trình phát triển nhà ở cộng đồng của Singapore cũng rất đáng học tập. Ngay từ đầu, Cục Phát triển nhà ở đã đề ra hệ thống mục tiêu hợp lý, khoa học và thực tiễn là: Cung ứng đủ nhà cửa cho nhân dân; làm sao cho mọi người sở hữu ngôi nhà của mình; tạo mối quan hệ cộng đồng bền vững; không ngừng làm nơi ở cộng đồng đạt tiêu chuẩn cao của thế giới.

Bên cạnh mục tiêu hợp lý, Singapore đặc biệt quan tâm tới các giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra. Vào năm 1964. Cục Phát triển nhà ở lập Quỹ tiết kiệm trung tâm (CPF) nhằm giúp người dân mua nhà dễ dàng. Phần tiền tiết kiệm bó buộc này dùng để trả trước 20% giá nhà cũng như tiền trả góp hàng tháng. Với quỹ này, người dân yên tâm mua được nhà mà không bị ảnh hưởng nhiều đến thu nhập.

Ngoài ra, người mua nhà lần đầu tiên còn được hưởng vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp dù cho là mua nhà do Cục xây cất hoặc từ thị trường tự do bên ngoài. Nhờ chính sách này mà tình hình sở hữu nhà từ số 0 vào thập niên 60 nay đạt trên 90% (trong số 800.000 căn hộ ngày nay). Hiện nay chỉ còn 8,5% người đi thuê nhà để ở, so với con số 40% hồi 20 năm về trước.

Theo Báo Xây Dựng