Tuần trước, một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã phải nhận chiếc phao ứng cứu trị giá 16 tỷ USD để khỏi phá sản, đây là dấu hiệu đáng lo ngại mới nhất về bong bóng bất động sản đã được nói đến từ lâu ở Trung Quốc.
Evergrande Real Estate Group, dưới quyền kiểm soát của tỷ phú Hui Ka Yan, đã được một nhóm ngân hàng ứng cứu, trong đó chủ yếu là ngân hàng nhà nước. Cũng như Evergrande, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang chạy nước rút để giành giật hỗ trợ tài chính trong bối cảnh doanh số giảm, giá nhà cũng lao dốc trong khi hàng tồn kho ngày một nhiều.
Trước đó Kaisa Group, một tên tuổi bất động sản từng là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, suýt bị phá sản ở thị trường nước ngoài trong năm nay trước khi được một công ty bất động sản khác ứng cứu. Evergrande cho biết hôm 17-3 rằng họ phải chấp nhận một gói cứu trợ tín dụng mới tổng cộng 100 tỷ NDT (16,2 tỷ USD). Khoản cứu trợ tín dụng này đến từ các ngân hàng Bank of China, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Tiết kiệm bưu chính Trung Quốc và Ngân hàng Minsheng Trung Quốc.
Evergrande là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, với doanh số 130 tỷ NDT vào năm ngoái. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những công ty bất động sản có số nợ lớn nhất, chủ yếu bằng USD từ các nhà đầu tư nước ngoài ở các thị trường hải ngoại, và điều này càng tồi tệ hơn trong bối cảnh đồng NDT đang giảm giá. Tính đến hết tháng 6-2014, nợ của Evergrande đã cán mốc 24 tỷ USD, chưa kể 7 tỷ USD trái phiếu vĩnh viễn dưới dạng vốn của nhà đầu tư.
Các nhà phân tích nói sự hỗ trợ của các ngân hàng có thể giúp Evergrande xoay sở tạm thời, nhưng không thể giải quyết các vấn đề sâu xa hơn. “Nợ chồng nợ và doanh số lao dốc là những thách thức căn bản không thể giải quyết trong ngắn hạn bằng những gói ứng cứu của chính phủ cho các công ty lớn” - Junheng Li, Giám đốc nghiên cứu của JL Warren Capital ở New York, nói. “Công ty này đã bị sức ép tài chính rất lâu rồi”.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đang lo ngại về sức khỏe của thị trường bất động sản trong nước vì lĩnh vực này có liên đới mật thiết với nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bất động sản là một kênh tiêu thụ quan trọng đối với ngành sắt thép, ngân hàng đồng thời là nơi cung cấp việc làm cho nhiều người. Nhà đất rớt giá cũng tổn hại cho dân thường bởi họ thường đầu tư tiền tiết kiệm được vào bất động sản.
Hôm 18-3, Trung Quốc công bố dữ liệu hàng tháng về giá nhà đất, theo đó giá nhà trong tháng 2 ở 66/70 thành phố được khảo sát đã giảm so với năm ngoái. Dữ liệu công bố tuần trước đó cho biết số nhà mới xây giảm 20% trong 2 tháng đầu năm, so với cùng kỳ, trong khi diện tích đất mua mới của các nhà phát triển bất động sản giảm 32%.
Khách hàng tham quan một mô hình dự án của Evergrande ở Yichang,Trung Quốc. |