Chính phủ Trung Quốc cho phép các công ty bất động sản gọi vốn nước ngoài trước tình hình kinh tế chững lại.
Tranh chấp thương mại với Mỹ giống như một "lưỡi rìu" lơ lửng trên đầu và đe dọa nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, với các nhà phát triển bất động sản nước này, đây lại chính là một thời cơ tốt. Trung Quốc dần mở cửa với hoạt động vay vốn trong nước, và một lần nữa, chính phủ lại có thể mỉm cười khi giá bất động sản tăng.
Không chỉ vậy, các nhà đầu tư tài sản có thể tận hưởng niềm vui nhân đôi bởi tới thời điểm này, thực tế đã chứng minh các biện pháp kiềm chế rủi ro tài chính và hạn chế cho các nhà phát triển vay vốn không thể hạ nhiệt thị trường và làm giá giảm xuống trong khi lại mang tới tác dụng phụ là làm cổ phiếu của họ lao đao.
Từ cuối năm 2016, Trung Quốc bắt đầu siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu trong nước. Tuy nhiên, hiện nay, chính phủ quốc gia này đang dần mở cửa. So với tháng sáu, lượng trái phiếu nhân dân tệ bán ra đã tăng 30% vào tháng bảy, đạt ngưỡng cao nhất kể từ tháng tư. Chỉ trong tháng này, Greentown China Holdings, CIFI Holdings Group và Longfor Group Holdings và nhiều công ty bất động sản khác đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu nhân dân tệ.
Chính quyền địa phương và thành phố có xu hướng điều chỉnh giá trên thị trường sơ cấp. Điều này có thể đem đến những tình huống bất thường, trong đó giá nhà mới xây sẽ thấp hơn giá nhà đã được xây từ trước. Theo các nhà phân tích tại CLSA, chính phủ những địa phương này hiện đang cho phép các nhà phát triển giới thiệu những đợt giảm giá nhỏ đối với nhà cũ. Đặc biệt, chính quyền các thành phố cấp một và hai đã điều chỉnh giá sát với giá nhà trong thị trường thứ cấp. Theo các nhà môi giới, động thái này giúp thúc đẩy tăng doanh số: số lượng nhà mới tăng thêm 30%, từ 34 dự án trong giai đoán tháng 4-5 lên 45 dự án/tuần trong giai đoạn tháng 6-7.
Có lẽ các ngân hàng, với khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn, sẽ sớm cung cấp các giao dịch thế chấp tốt. Hoạt động vay mua nhà vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình các khoản nợ, và các nhà điều tiết cũng ít lo ngại hơn với các khoản vay thế chấp.
Tuy vậy, đây vẫn chưa phải là lúc các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc ăn mừng, đặc biệt là những công ty cần gọi vốn nước ngoài. Vào cuối tháng 6, theo Bloomberg News, Trung Quốc vẫn còn chần chừ trong việc thông qua trái phiếu nước ngoài và hiện đang cân nhắc cấm phát hành trái phiếu đô la ngắn hạn. Đến nay, doanh số trái phiếu ngắn hạn (không cần chính phủ thông qua) đã chững lại, và trái phiếu nước ngoài do các công ty bất động sản bán ra chủ yếu chỉ phục vụ cho mục đích tái cấp vốn.
Thêm vào đó, người dân Trung Quốc không nên đánh giá quá cao trái phiếu nước ngoài. Theo Kristy Hung tại Bloomberg Intelligence, Fed đã tăng lãi suất, tức là chi phí gọi vốn ngoài Trung Quốc sẽ ngày càng tăng lên. China Evergrande Group phải trả giá cao nhất với lợi suất trái phiếu ở mức 8,1% trong khi của Sunac China Holdings là 6%. Những chi phí này sẽ còn tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, không phải nhà phát triển nào cũng được lợi khi chính phủ mở cửa: những đối thủ lớn hơn với khả năng tiếp cận vốn dễ dàng sẽ sở hữu giá cổ phiếu cao hơn và là lựa chọn tốt hơn với khách hàng. Lợi nhuận nửa đầu năm của Evergrande đã tăng hơn gấp đôi; trong khi đó, theo ước tính, doanh số của Country Garden Holdings, công ty bất động sản lớn nhất quốc gia, sẽ tăng 50% trong năm nay. Các công ty nhỏ hơn chưa niêm yết sẽ khó đạt được mức tăng này.
Bắc Kinh từ lâu đã cân bằng mục tiêu về nhà ở giá cả phải chăng với mức tăng giá cơ bản đủ để thúc đẩy nền kinh tế. Khi căng thẳng thương mại leo thang, mục tiêu thứ hai trở nên quan trọng hơn. Vì vậy, các công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc có thể chuẩn bị ăn mừng.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ