Top

M.Jordan: 100 triệu USD và câu chuyện thương hiệu

Cập nhật 12/04/2015 07:55

Thương hiệu cá nhân là câu chuyện hiện diện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, và một trong những biểu hiện của nó chính là giá trị hiện kim mà cá nhân đó nhận được. Chuyện về thu nhập của siêu sao bóng rổ Michael Jordan là điển hình cho điều này.


Bóng rổ là môn thể thao hàng đầu tại Mỹ - quốc gia đang dẫn đầu kinh tế thế giới. Việc một vận động viên được xếp vào hàng huyền thoại như Michael Jordan kiếm 100 triệu USD mỗi năm là chuyện không quá khó hiểu. Tuy nhiên, kiếm 100 triệu sau khi đã giải nghệ là điều khó tưởng tượng.

Khả năng kiếm tiền siêu hạng

Theo thống kê của tạp chí Forbes hồi giữa tháng 3, Michael Jordan kiếm được 100 triệu USD trong năm 2014. Đây là thu nhập cao nhất trong lịch sử của một VĐV nghỉ hưu từ trước tới nay.

Để so sánh, Forbes dẫn ra số liệu cho thấy dù mặt bằng tiền lương của các VĐV bóng rổ khá cao, khoảng 5 triệu USD/năm, nhưng Jordan vẫn tạo nên khác biệt quá lớn. Tính rộng ra các môn thể thao nói chung, thương hiệu bóng đá toàn cầu David Beckham cũng “chỉ” kiếm 75 triệu USD trong giai đoạn cùng kỳ.

Cũng giống như các ngôi sao khác, thành tích trên sân đấu “tỷ lệ thuận” với số lượng hợp đồng quảng cáo - tài trợ béo bở. Trong trường hợp này, hãng thể thao khổng lồ Nike đang cùng Jordan tạo ra lịch sử.

Thương hiệu Nike’s Jordan đã tăng đến 17% doanh số trong lĩnh vực giày thể thao, lên mức 2,6 tỷ USD trong năm ngoái, theo thống kê của SportScanInfo. Chỉ riêng dòng sản phẩm Air Jordan XI “Legend Blue” khi được tung ra vào ngày 20/12/2014 đã bán sạch trên trang web của Nike trong vòng... 3 tiếng đồng hồ. Và với mức giá trung bình 180 USD, Nike thu tới 80 triệu USD từ “Legend Blue” trong tuần đầu tiên.

Sau lợi nhuận từ việc chia tiền bản quyền hình ảnh với Nike, Michael Jordan vẫn tiếp tục đại diện cho hàng loạt thương hiệu khác như Gatorade, Hanes, Upper Deck, 2K Sports và Five Star Fragrances.

Nuôi cái tên, gặt thành quả

Trong giới thể thao, Michael Jordan thực tế vẫn chưa kiếm tiền giỏi bằng siêu sao của môn thể thao quý tộc - huyền thoại làng golf Tiger Woods. Tuy nhiên điểm khác biệt ở chỗ, Woods vẫn đang chơi golf, còn Jordan thì đang thụ hưởng thành công trong quá khứ.

Nếu Tiger Woods giã từ làng golf, chuyện gì sẽ xảy ra? Không chắc anh sẽ kiếm nhiều tiền như vậy. Xét về mặt thương hiệu, hình ảnh của Woods đã xấu đi khá nhiều từ những vụ bê bối trong lối sống. Với Jordan thì khác, và đó là một thành tựu trong chiến dịch quảng bá của Nike.

“Nike đã làm một việc không thể tin được là phát triển thương hiệu Michael Jordan thuần túy về bóng rổ trở thành một biểu tượng về lối sống”, Eric Tracy - một nhà phân tích về Nike tại Janney Capital Markets nói, “Điều đó đã thu hút được một thị trường lớn hơn rất nhiều”.
Jordan đang thụ hưởng thành công trong quá khứ.

Tracy chỉ ra rằng Nike đã khai thác triệt để thương hiệu Jordan bằng việc liên tục làm mới các dòng sản phẩm mang phong cách Jordan, đại diện cho khoảng 50% các nhãn hàng giày của Nike’s Jordan. Và khi tung ra sản phẩm nào, Nike cũng đều không sản xuất ngang tầm nhu cầu, điều đó khiến người hâm mộ Jordan luôn lùng kiếm và khao khát hơn nữa, theo Tracy.

Sự tương tác giữa Jordan và Nike tất nhiên vẫn cần nhất ở việc Michael Jordan biết giữ gìn hình ảnh của mình.

“Những vận động viên tạo ra thương hiệu cho bản thân trước khi mọi người tập trung vào thương hiệu tài trợ”, Marc Ganis - Chủ tịch hãng tư vấn thể thao Sportscorp nói.

Và nếu xem LeBron James là siêu sao bóng rổ đương đại, hãy chú ý rằng nhãn hiệu giày Nike’s Jordan đang có doanh số gấp... 10 lần những gì chữ ký của James mang lại cho Nike. Sẽ rất công bằng nếu biết Michael Jordan là người nổi tiếng thứ tư tại Mỹ, và 98% người Mỹ biết đến Jordan như họ biết Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo Forbes.

Trong một chiến dịch tài trợ, thương hiệu cá nhân và thương hiệu quảng bá luôn cần sự song hành. Và nếu hỏi rằng Nike có tiếp tục gắn bó với Jordan, 52 tuổi, hay không, hãy chú ý rằng vào ngày 20/3 vừa qua, Jordan đã gia hạn hợp đồng với Upper Deck - đối tác lâu năm. Một khi tự thân Jordan chưa dừng lại ở việc đánh bóng tên tuổi, Nike không phải lo cho những chiếc giày của họ nữa.


DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân SG

Thời đại của thương hiệu cá nhân

Cập nhật: 10/04/2015 07:52

Câu chuyện thương hiệu đã rẽ sang một hướng khác trong thời kỳ bùng nổ internet và mạng xã hội. Giờ đây, các thương hiệu cá nhân mới là yếu tố quyết ...

3 bài học gắn kết khách hàng trên mạng xã hội

Cập nhật: 09/04/2015 08:48

Mạng xã hội hiện nay đang được sử dụng rộng rãi như một công cụ giúp các doanh nghiệp gắn kết với khách hàng. Tuy nhiên, nếu như chúng ta không biết ...

Tăng nhận biết thương hiệu qua truyền thông xã hội

Cập nhật: 08/04/2015 09:45

Hãy tham gia Facebook, Twitter, Pinterest nhiều hơn nữa vì khi được sử dụng đúng cách, truyền thông xã hội (TTXH) có thể dễ dàng trở thành công cụ ...

Bài học bán hàng: Nhiều lựa chọn - ít thành công

Cập nhật: 07/04/2015 13:41

Các doanh nghiệp thường muốn đem đến cho khách hàng nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ và xem đó là một lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, một số chuyên ...

Bài học "bó đũa"

Cập nhật: 07/04/2015 13:36

Các tờ báo mạng hàng đầu Việt Nam sẽ học hỏi được gì từ kinh nghiệm liên minh giữa các tờ báo trên thế giới trước sức ép từ hai gã khổng lồ Google và ...