Top

Chớ để ưu sầu giết chết mình

Cập nhật 20/01/2009 09:37

"Những nhà kinh doanh không biết thắng ưu sầu sẽ chết sớm".

Bác sĩ Alexis Carrel kể:

Mấy năm trước, một buổi sáng, một ông hàng xóm gõ cửa nhà tôi nhắc phải đi chủng đậu ngay. Ông là một trong số hàng ngàn người tình nguyện đi gõ cửa từng nhà ở khắp châu thành Nữu Ước để nhắc nhở dân chúng. Những người sợ sệt nối đuôi nhau hàng giờ tại nhà thương, sở chữa lửa, sở công an và cả trong những xí nghiệp để được chủng đậu. Hơn 2.000 bác sĩ và nữ điều dưỡng làm việc náo nhiệt ngày đêm. Tại sao lại có sự kích thích đó? Là vì khi ấy châu thành Nữu ước có tám người lên đậu và hai người chết. Hai người chết trong dân số gần tám triệu người!

Tôi đã sống trên 37 năm ở Nữu ước, vậy mà vẫn chưa có một người nào lại gõ cửa bảo tôi phải đề phòng chứng ưu sầu, một chứng do cảm xúc sinh ra mà trong 37 năm qua đã giết người một vạn lần nhiều hơn bệnh đậu!

Không có một người nào lại gõ cửa cho tôi hay rằng hiện trong nước Mỹ, cứ mười người có một người bị chứng thần kinh suy nhược mà đại đa số những kẻ đó đều do ưu tư và cảm xúc bất an mà sanh bệnh. Cho nên tôi phải viết những chữ này để gõ cửa bạn và xin bạn đề phòng".

Quẳng gánh lo đi, bạn sẽ thấy cuộc đời này thật đáng yêu.


Bác sĩ Alexis Carrel, người được giải thưởng Nobel về y học, đã nói: "Những nhà kinh doanh không biết thắng ưu sầu sẽ chết sớm". Mà các bà nội trợ cũng vậy, các ông thú y cũng vậy, các bác thợ nề cũng vậy.

Mấy năm trước nhân dịp nghỉ, tôi đánh xe dạo vùng Texas và New Mexico với bác sĩ O.F.Gobe, một trong những vị trưởng ban y tế sở ở Santa Fé. Chúng tôi bàn về những tai hại của lo lắng và bác sĩ nói: "Bảy chục phần trăm bệnh nhân đi tìm bác sĩ đều có thể tự chữa hết bệnh nếu bỏ được nỗi lo lắng và sợ sệt. Ấy xin đừng nghĩ rằng tôi cho bệnh của họ là bệnh tưởng! Họ có bệnh thiệt như những người đau nặng vậy. Mà có khi bệnh của họ còn nguy hiểm hơn nhiều nữa, chẳng hạn như bị thần kinh suy nhược mà trúng thực, có ung thư trong bao tử, đau tim, mất ngủ, nhức đầu và bị chứng tê liệt...



Đau đầu thường xuyên do thần kinh suy nhược.


Những bệnh đó không phải là tưởng tượng, tôi biết rõ vậy, vì chính tôi đã bị ung thư bao tử trong 12 năm trời.

Sợ sinh ra lo. Lo làm cho thần kinh căng thẳng, ta cáu kỉnh hại cho những dây thần kinh trong bao tử, làm cho dịch vị biến chất đi và thường sinh chứng vị ung".

Bác sĩ Joseph F. Montagne, tác giả cuốn: "Bệnh đau bao tử do thần kinh" cũng nói đại khái như vậy. Ông bảo: "không phải thức ăn làm cho tôi có ung thư trong bao tử mà nguyên nhân chính là cái ưu tư nó cắn rứt tôi". Bác sĩ W.C.Alvarez ở dưỡng đường Mayo thì nói: "Những ung thư trong bao tử sưng thêm hay tiêu bớt đi là tuỳ sự mệt nhọc của bộ thần kinh tăng hay giảm".

Một cuộc nghiên cứu 15.000 người đau bao tử ở nhà thương Mayo đã chứng thực điều ấy. Trong năm người thì bốn người có thể không có gì khác thường hết. Sợ, lo, oán, ghét, tính vô cùng ích kỷ, không biết thích nghi với hoàn cảnh, những cái đó đôi khi là nguyên nhân của bệnh đau bao tử và chứng vị ung. Bệnh thứ hai này có thể giết bạn được. Theo tờ báo Life nó đứng hạng thứ mười trong những bệnh nguy hiểm nhất.

Mới rồi tôi có giao dịch bằng thư từ với bác sĩ Harrlod C.Habien ở dưỡng đường Mayo. Trong kỳ hội họp thường niên của các y sĩ và các nhà giải phẫu, ông được đọc một tờ thông điệp về công cuộc nghiên cứu các chứng bệnh của 176 vị chỉ huy các xí nghiệp. Sau khi cho cử tọa biết rằng tuổi trung bình của họ là 44 năm, ba tháng, ông nói non một phần ba các vị chỉ huy ấy mắc một trong ba chứng bệnh: đau tim, có ung thư trong bao tử và mạch máu căng quá. Những bệnh đó là những bệnh đặc biệt của hạng người luôn luôn sống một đời gay go, ồn ào, rộn rịp. Bạn thử nghĩ coi: một phần ba những nhà chỉ huy các xí nghiệp đã tự huỷ hoại thân thể vì các chứng đau tim, vị ung và mạch máu căng lên khi chưa đầy 45 tuổi. Sự thành công của họ đã phải trả với một giá đắt quá. Mà chưa chắc gì họ đã thành công. Thử hỏi, ta có thể nói được là thành công không khi ta làm ăn phát đạt, nhưng lại mắc chứng đau tim hoặc vị ung chăng? Có ích gì cho ta không, nếu ta chiếm được cả phú nguyên của thế giới mà phải mất sức khoẻ? Dù ta giàu có đến đâu đi nữa thì mỗi ngày cũng chỉ ăn có ba bữa và đêm ngủ một giường. Nói cho rộng thì người chỉ huy các xí nghiệp quyền hành lớn, nhưng có hơn gì anh đào đất không? Có lẽ còn kém nữa, vì anh đào đất thường được ngủ say hơn họ, ăn ngon miệng hơn họ. Thiệt tình tôi muốn làm anh thợ giặt ở Alabana ôm cây đờn "banjo" mà khảy tưng tưng còn hơn làm chủ một công ty xe lửa hoặc một công ty thuốc hút để tới 45 tuổi, sức khỏe bị huỷ hoại đến nỗi tiều tụy thân hình.

Lo lắng chỉ làm cho bạn thêm bế tắc với những công việc cần giải quyết trước mắt.


Nói tới thuốc hút, tôi lại nhớ tới một nhà sản xuất thuốc nổi danh nhất thế giới, bị chết vì bịnh đau tim trong khi ông ta đi nghỉ vài ngày giữa một khu rừng ở Canada. Ông ta lượm hàng triệu bạc mà chết, chết hồi có 61 tuổi. Chắc chắn ông đã đem cái thời gian khổ hạnh trong đời ông để đổi lấy cái mà ông ta gọi là "thành công trong sự làm ăn" đó.

Theo tôi, nhà sản xuất thuốc đó chưa thành công bằng nửa thân phụ tôi, một nông phu ở Missouri, mất hồi 98 tuổi, gia sản không có tới một đồng. Bệnh của họ không do thần kinh suy nhược mà do những cảm xúc như ưu tư, lo lắng, sợ sệt, thất vọng...

Platon nói: "Các y sĩ có một lỗi lầm lớn nhất là họ chỉ ráng trị thân thể, không nghĩ tới trị tinh thần mà thân thể và tinh thần là một, không thể trị riêng được".

Phải đợi 23 thế kỷ sau, y học mới chịu xác nhận sự quan trọng ấy. Chúng ta đang phát triển một phương pháp trị liệu mới mẻ là phương pháp trị cả thể chất lẫn thần kinh. Công việc đó lúc này quan trọng vì y học đã trị được nhiều bệnh do vi trùng như bệnh đậu mùa, bệnh dịch tả, bệnh sốt rét và hàng chục bệnh khác đã giết hàng triệu mạng người. Nhưng y học vẫn chưa trị được những bệnh tinh thần, không do vi trùng mà do những cảm xúc như lo lắng, sợ sệt, oán ghét, thất vọng, những bệnh mỗi ngày một tăng với tốc độ rất ghê gớm.

Các bác sĩ nói rằng hiện nay cứ 20 người Mỹ có một người phải nằm nhà thương điên trong một thời gian không kỳ hạn. Và khi tổng động viên, hồi chiến tranh vừa rồi, cứ năm thanh niên thì phải loại đi một vì thần kinh có bệnh hoặc suy nhược.

Vậy nguyên nhân của chứng thần kinh thác loạn là gì? Không ai biết được đủ hết. Nhưng chắc chắn là trong nhiều trường hợp, sợ sệt và lo lắng là hai nguyên nhân chính. Những người lo lắng, mệt mỏi đều không biết thích nghi với những sự thực chua chát của đời, cứ muốn sống cách biệt hẳn với người xung quanh và tự giam mình trong một thế giới tưởng tượng để khỏi phải ưu phiền.


Như tôi đã nói, tôi luôn để trên bàn cuốn "Quẳng gánh lo đi để được khoẻ mạnh" của bác sĩ Edward Podalsky.

Dưới đây là nhan đề vài chương trong cuốn ấy:

Lo lắng có hại cho tim ra sao?
Mạch máu căng là do lo lắng quá độ
Chứng phong thấp có thể vì lo lắng mà phát sinh.
Hãy thương hại bao tử mà bớt lo đi
Lo lắng quá có thể sinh ra chứng trúng hàn.
Những lo lắng ảnh hưởng tới hạch giáp trạng tuyến ra sao?
Chứng đường sí (nước tiểu có nhiều đường) của những người lo lắng quá.

Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống
NXB Văn Hóa Thông Tin
Giá bìa: 37,000VNĐ

Một cách thần hiệu để giải quyết những vấn đề rắc rối

Cập nhật: 13/01/2009 17:47

Bạn muốn biết một phương pháp chắc chắn để giải quyết những tình thế rắc rối - một thuật mà bạn có thể dùng ngay bây giờ, trước khi...

Đắc nhất nhật quá nhất nhật

Cập nhật: 06/01/2009 17:00

Mùa xuân năm 1871, một thành niên may mắn đọc được một câu văn ảnh hưởng sâu xa tới tương lai của chàng...

Thảo luận bình đẳng với người có ưu thế trội hơn

Cập nhật: 30/12/2008 11:39

Trong cuộc trò chuyện với khách hàng, một chuyên gia bán hàng nổi tiếng vô tình nhắc đến một loại sản phẩm đặc biệt dường như dành cho đối thủ cạnh ...

Mô hình Havard trong bán hàng

Cập nhật: 23/12/2008 17:44

Mô hình Harvard trong lĩnh vực bán hàng được hình thành từ quá trình xác lập mục tiêu “vì lợi ích chung”, và đây rõ ràng là mô hình hai bên cùng có ...

Nghệ thuật bán hàng khiêu khích

Cập nhật: 22/11/2008 09:04

"Bán hàng khiêu khích" là một quan điểm mới hiện đang gây ra nhiều tranh cãi. Một mặt, nó phản ánh tất cả các phương pháp, cách thức bán hàng phổ ...