Đêm mùa xuân, nghe Tình ca Tây Bắc, lại thấy nhớ núi Mường Hung, dòng sông Mã, lòng lại phơi phới như mùa xuân, lại thấy bồi hồi da diết nhớ, lại được mong mình “hóa những con tàu”, để được gặp lại Tây Bắc như "nai về suối cũ", bởi "tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu". Tây Bắc ơi...
Ca khúc: Tình ca Tây Bắc
Thơ: Cẩm Giang
Nhạc: Bùi Đức Hạnh
Rừng cây xanh lá muôn đoá hoa mai mừng đón xuân về
Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa
Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn
Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa tiếng ca rộn vang
Nếu ai đã từng một lần đặt chân tới Tây Bắc, cứ mỗi độ xuân về, nghe giai điệu lúc mượt mà tha thiết, khi rộn ràng tươi vui của bản Tình ca Tây Bắc, lòng lại rộn rã bâng khuâng như con tàu (mặc dù cho đến giờ vẫn chưa có một đường tàu nào ngược Tây Bắc), lòng lại bồi hồi nhớ, lại muốn vác ba lô tìm đường ngược Tây Bắc, về với Sông Mã, núi Mường Hung cho thỏa nỗi nhớ, niềm mong.
Hoa đào rạng rỡ mùa xuân Tây Bắc - Nguồn: webtretho.com
Đã một lần tới Tây Bắc, tin chắc rằng không ai lại có thể quên được, nhất là tình đất, tình người nơi đây.
Mùa xuân, mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, trên những nẻo đường Tây Bắc, ven đường đầy hoa rừng và cỏ dại, những loài hoa không tên, hòa lẫn trong cảnh núi rừng đâm chồi nảy lộc tràn đầy sức sống, tin rằng không thể có một loài hoa vương giả nào lại có một vẻ đẹp quyến rũ đắm say lòng người đến thế.
Hoa ban trắng muốt tinh khiết đến nao lòng; hoa sim, hoa mua tím ngắt cả triền núi; hoa lau bàng bạc đung đưa nghiêng mình làm duyên trong gió, soi bóng bên dòng suối; hoa chuối rừng đỏ tươi lấp ló trên núi cao, dưới vực sâu; hoa dẻ thơm nồng nồng ngai ngái tỏa hương len lỏi khắp núi rừng...
Nhớ Tây Bắc, không thể không nhớ những con đèo Tây Bắc khúc khuỷu "ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống", một bên là vách núi dựng đứng, ngước mỏi mắt không thấy đỉnh, chỉ thấy mây và lau lách hòa cùng một màu trắng nhờ, một bên lại là vực sâu hun hút khói sương hay khói đốt nương bảng lảng, lạnh sống lưng mà không dám đi sát mé ngoài.
Thênh thênh những con đèo Tây Bắc - Nguồn: ttvnol
Những con đèo như thế, chỉ cần sơ sảy là nguy hiểm tới tính mạng như bỡn, thế nhưng khi xa rồi, về đến những con đường phẳng phiu dễ dãi của đồng bằng, lại thấy nhớ tới chúng đến nôn nao cả tay lái.
Ở nơi rừng núi, người Tây Bắc làm nhà sàn, vách nứa để tránh thú dữ. Giữa nhà sàn, người ta đặt bếp lửa, ngọn lửa cháy và giữ hơi ấm cả mùa đông. Người dân tộc coi bếp lửa là thiêng liêng, nên trong nhà chỉ có đàn ông mới được nằm gần còn đàn bà con gái phải nằm ở góc nhà. Thế nhưng khi có khách đến nhà, họ sẵn sàng nhường chỗ cho khách nằm cạnh bếp lửa để tránh cái lạnh cắt da cắt thịt vùng núi rừng luồn lách qua từng khe nứa.
Quanh nơi bếp lửa của người dân tộc, cũng đủ chuyện để kể cả đêm chẳng hết. Người dân nơi đây, mỗi khi săn được thú rừng lớn một chút, hoặc thịt lợn (giống lợn mán thả rông nhỏ xíu, nuôi cả năm mới được vài chục kg, chú nào cũng được đóng một chiếc gông tam giác ở cổ để các chú không thể đi xa vào rừng vì vướng cây cối), ăn không hết đều xâu dây lạt, treo lên gác bếp để dùng dần.
Quanh năm, ngọn khói và hơi nóng hun cho miếng thịt khô quắt lại, phủ một lớp mồ hóng dày, không thể nào hỏng được, tới khi ăn mới chế biến. Vào những đêm mùa đông, lạnh đến nỗi sáng ra nước đóng băng thành một lớp mỏng trên bề mặt, không gì thú bằng ngồi bên bếp lửa nhà sàn ấm sực, uống rượu bằng bát, nhắm với thịt nai gác bếp nướng cháy, đập xơ. Mùi khói quện lẫn với từng thớ thịt có mùi thơm và sức quyến rũ lạ kỳ, cảm giác lòng ấm lại như “nai về suối cũ”.
Nguồn: flickr.com
Người Thái đen ở Sông Mã còn có món rêu đá đặc sản, một lần ăn rồi nhớ mãi. Vùng rừng núi không có sẵn rau xanh. Mùa khô, suối cạn, người Thái bóc những mảng rêu non mọc dưới lòng sông, nơi nước chảy xiết, sợi rêu xanh, dày như mái tóc người thiếu nữ tha thướt trong dòng nước, rửa sạch đất cát, phơi khô và gác lên gác bếp. Chỉ những khi nhà có khách quý thì mới lấy xuống chế biến để đãi khách hoặc làm quà biếu.
Khi người ta đang cô đơn ở một nơi xa lạ, trong ráng chiều và sương núi cùng rủ nhau ập xuống, chắc chắn rằng ai cũng sẽ cảm thấy nhớ nhà da diết. Nhưng đã đến Tây Bắc, nếm trải cái cảm giác hoàng hôn với mùi thơm xôi mới quyện cùng mùi khói bếp lan tỏa, khi xa, chắc hẳn lại nhớ cái khoảnh khắc ấy da diết, nhớ đến nôn nao trong lòng, đến nỗi đi đâu thấy khói rồi cũng nhớ, cũng tưởng như hồn đang phiêu diêu miền Tây Bắc...
Nhớ Tây Bắc, còn là nhớ tiếng chim gọi bạn tình suốt cả mùa xuân, nhớ nhịp chày khua đều đều ven sông và tiếng cọn nước róc rách chảy suốt đêm ngày. Người Tây Bắc, tuy ở vùng rừng núi, nhưng cuộc sống, lại gắn liền với những con sông.
Nhắc đến những dòng sông Tây Bắc, đã nhắc tới sông Mã, lại càng không thể không nhắc đến con sông Đà vừa "hung bạo" và "trữ tình" mà Nguyễn Tuân đã từng miêu tả. Trước đây, và sau này, không thể có ai mô tả con sông Đà vượt mặt được cụ Nguyễn:
"Hùng vĩ nhất là cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai, con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ bên kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện."
Hay Nguyễn Tuân tả cái hút nước sông Đà như miệng giếng, "mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày", rồi tiếng nước sông "rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng."
Sông Đà - dải nước mây dữ dội và trữ tình nơi địa đầu đất nước... Nguồn: skydoor.net |
Hung bạo đấy, dữ dội đấy mà có lúc lại vô cùng lãng mạn: "Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân."
Cụ Nguyễn tả tài tình là thế, chỉ bằng những câu văn đắm say lòng người như thế, dù là người chưa từng biết đến sông Đà, cũng vẫn thấy nó đẹp dữ dội và lãng mạn biết nhường nào. Nhưng đã đến Tây Bắc, tận mắt nhìn thấy những con sông "hung bạo" và "trữ tình" nơi đây, thì ngay đến một người cả đời không viết nổi một câu văn cũng thấy trong lòng cuồn cuộn cảm xúc mãnh liệt, thấy rằng những câu văn của cụ Nguyễn dù có tinh tế bao nhiêu, cũng chưa thể chuyển tải được hết.
Tây Bắc, với con sông Mã, sông mẹ, sông mạ hay Nậm Mã kề bên núi Mường Hung, ngàn đời được ví như tình yêu chung thủy của đôi trai gái, như Chế Lan Viên đã nói, là "mẹ của hồn thơ", đã đi vào thơ ca, nổi tiếng nhất là Núi Mường Hung, dòng sông Mã của Cầm Giang, một trong một trăm bài thơ hay nhất thế kỷ 20, đã được Bùi Đức Hạnh phổ nhạc.
Không quá bám sát vào nguyên bản bài thơ, Tình ca Tây Bắc cũng có sức sống mãnh liệt, một thế đứng riêng biệt, tràn đầy tính phóng khoáng, sôi động và đằm thắm như nhịp sống núi rừng mùa xuân Tây Bắc cũng như của con người nơi đây.
Đêm mùa xuân, nghe Tình ca Tây Bắc, lại thấy nhớ núi Mường Hung, dòng sông Mã, lòng lại phơi phới như mùa xuân, lại thấy bồi hồi da diết nhớ, lại được mong mình “hóa những con tàu”, để được gặp lại Tây Bắc như "nai về suối cũ", bởi "tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu". Tây Bắc ơi...
Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng
Suối nước trong xanh soi bóng anh và bóng em
Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng
Đất nước hoà bình hạnh phúc ta như mùa xuân
DiaOcOnline.vn - Theo Tuần Việt Nam
Tháng tư, tiết trời ấm dịu là thời điểm hoa anh đào bừng nở. Sắc hồng huyền diệu của hoa làm say đắm lòng người. Hoa anh đào nở rộ...
Tháng Tư, người Hà Nội mong ngóng, chờ đợi những chiếc xe chở đầy hoa loa kèn trên phố. Xốn xang một nét đẹp yêu kiều...
Chẳng có một tâm hồn nào lại không một lần rung lên khi bắt gặp vòm hoa lặng lẽ kiêu sa ấy. Cũng chẳng có vần thơ, bức tranh nào diễn tả hết...
Quê tôi miền núi, khắp nơi trải rộng một màu xanh rợn ngợp. Và, không gian trong lành đến vô tịnh vô trần như trong miền cổ tích.
Nằm cách cố đô Kyoto khoảng 2km về hướng đông nam, Fushimi Inari Taisha là một trong số những ngôi đền Thần Đạo cổ xưa (thành lập năm 711 dương lịch) ...