Top

Giá cát tăng cao “chặn đứng” tiến độ nhiều công trình

Cập nhật 07/11/2017 15:55

Tại thời điểm này, giá cát xây dựng, giá vật liệu san lấp tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng gấp 3 lần so với đầu năm 2017. Giá tăng vì nguồn cung ứng khan hiếm, nhất là cát san lấp. Tình trạng này dẫn tới nhiều dự án trọng điểm buộc phải dừng, giãn tiến độ.
   

Vật liệu san lấp thiếu hụt trầm trọng

Theo Sở KHĐT Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT), năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 22 dự án khởi công xây dựng mới, trong đó 9 dự án có nhu cầu sử dụng cát san lấp như công trình xây dựng Trường Tiểu học Bình Minh (TP.Vũng Tàu), Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão (huyện Long Điền), chung cư phường Thắng Tam (TP.Vũng Tàu)… Tùy theo quy mô, khối lượng cát san lấp được sử dụng cho mỗi công trình từ hàng trăm đến hàng nghìn m3.

Mua bán cát xây dựng tại vựa cát xã Tam Phước, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu.  Ảnh: H.V

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thi công về thiếu hụt nguồn cát san lấp cho các công trình, tại cuộc họp ngày 28.9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình đã giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài chính thành lập Tổ thẩm định giá cát san lấp cùng chi phí vận chuyển, để UBND tỉnh có cơ sở phê duyệt dự toán, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.
 

Riêng đối với các công trình hạ tầng giao thông, nhu cầu cát san lấp lên đến cả triệu m3. Chẳng hạn như công trình đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép (huyện Tân Thành) đến nay nguồn vốn đã được bố trí, công tác giải phóng mặt bằng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán… đã hoàn tất nhưng vẫn chưa khởi công được do chưa tìm được nguồn cung cấp khoảng 590.000 m3 cát và thẩm định giá cát san lấp.

Tương tự, dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, tại thời điểm này, gói thầu số 27 thuộc công trình đường Phước Hòa - Cái Mép đang phải tạm dừng do thiếu cát san lấp. Theo tính toán, công trình này cần tới khoảng 50.000m3 vật liệu san lấp nhưng doanh nghiệp không tìm đủ nguồn cung với mức giá phù hợp.

Theo Sở Xây dựng BRVT, qua khảo sát giá cát tại các điểm mỏ của Công ty Hạnh Dũng, Bảo Châu và Đại Lộc (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) đều báo giá 57.000 đồng/m3. Với mức giá này, khi vận chuyển đến các công trình trên địa bàn huyện Tân Thành, sẽ đội lên gần 200.000 đồng/m3. Còn nếu lấy nguồn cát từ các đơn vị ngoài tỉnh thì xấp xỉ 100.000 đồng/m3, chưa tính chi phí vận chuyển. Hiện nay, cát xây, tô mà thị trường cung cấp giá 350.000 đồng/m3, cát đổ bê tông 400.000 đồng/m3.

Theo các đại lý vật liệu xây dựng, với sự kiểm tra quyết liệt của các cơ quan chức năng, việc khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm nên nguồn cung cát trên thị trường cũng giảm theo.

Ráo riết mở rộng điểm mỏ khai thác

Theo Sở TNMT BRVT, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp của tỉnh rất lớn. Trong khi đó, các điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, các địa phương đề nghị cần mở rộng thêm việc quy hoạch các điểm mỏ ở những vị trí có thể khai thác, ít ảnh hưởng tới môi trường, nhằm giảm áp lực về giá cả và nguồn cung bị thiếu hụt.

Trong khi đang chờ ý kiến của Bộ TNMT cho phép đấu giá quyền khai thác 2 điểm mỏ cát xây dựng – vật liệu san lấp là 59B1 và 70B thuộc huyện Đất Đỏ, trước mắt UBND tỉnh đã phê duyệt dự án nạo vét hồ Bút Thiền (huyện Long Điền), quy mô 60ha, có thể tận thu nguồn cát san lấp dự kiến lên đến 1.282.727m3 và hơn 300.000m3 cát xây dựng. Đồng thời, nạo vét các hồ trên địa bàn huyện Tân Thành, luồng ra vào cửa Bến Lội, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc)… để phục vụ cho các công trình xây dựng.

Theo Sở Xây dựng BRVT, các cơ quan chức năng nên mạnh tay ngăn chặn tình trạng xuất lậu cát. Đồng thời, về lâu dài, các doanh nghiệp nên tìm các loại vật liệu thay thế như đất núi hoặc đá dăm… nhằm tránh bị động khi nguồn cát san lấp khan hiếm. 


DiaOcOnline.vn - Theo Dân Việt