Top

Vén màn "xiếc" trên thị trường bất động sản

Cập nhật 14/08/2015 10:33

Tạo ra tình trạng khan hàng, sốt ảo là phương pháp thông dụng nhất là các nhân viên môi giới thực hiện nhằm tạo áp lực tâm lý với khách hàng. Chính vì thế, chiêu này "vỡ", niềm tin ít ỏi vừa nhen nhóm cũng tan biến theo.

Huy động người nhà đi làm khách hàng

Thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi, tuy nhiên nó chưa thể đạt được đến độ nóng sốt như thời điểm trước. Thế nhưng, có 1 điều khá lạ tại các buổi giới thiệu dự án, lượng khách hàng đông nghìn nghịt. Họ tranh mua, tranh bán, xếp hàng dài đặt cọc.

Theo lời kể của một nhân viên môi giới nhà đất, khi có dự án mới, chuẩn bị mở bán, các sàn giao dịch đều áp chỉ tiêu, yêu cầu nhân viên môi giới phải mời ít nhất 10-15 khách hàng đến tham dự. Nhiều môi giới hành nghề lâu năm, sẵn có lượng nhà đầu tư quen thuộc thì việc dẫn khách không khó. Xong có nhiều môi giới mới vào nghề đã phải huy động người nhà, bố mẹ, anh chị em… đến tham dự.

Để cho buổi mở bán thêm phần sôi động, nhiều sàn còn yêu cầu nhân viên “cài căm” người vào để đặt cọc tạo không khí giao dịch. “Thông thường, khách hàng có thể đặt cọc 5-10 triệu đồng/căn hộ. Khi dự án chính thức mở bán, nếu khách hàng không có nhu cầu mua căn hộ đó nữa thì bên em sẽ trả lại tiền cho khách. Nhiều khi tìm khách khó, chúng em phải huy động cả ông bà, bố mẹ đến xem và đặt cọc mua căn hộ ”- nhân viên môi giới cho biết.


Tạo sốt giả gây áp lực tâm lý

Nhiều khách hàng cho biết, khi tới tham quan các lễ mở bán, nhìn cảnh khách hàng tranh mua, tranh bán họ cũng không khỏi sốt ruột. Thậm chí, họ còn lo lắng vì sợ căn hộ mà mình ưng ý sẽ bị người khách mua mất.

Anh Lê Minh Tùng, một khách hàng mua căn hộ tại dự án 136 Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) đã kể cho phóng viên về quá trình tìm mua 1 căn hộ. Chẳng là, hai vợ chồng anh Tùng tìm hiểu qua mạng, được biết dự án chung cư Hồ Tùng Mậu hiện đang được bán với giá khởi điểm chỉ khoảng 15 triệu đồng/m2, rẻ nhất khu vực. Vợ chồng anh muốn mua một căn hộ để an cư. Song, vì mức chênh so với giá gốc quá lớn, khoảng 2,5 triệu đồng/m2, nên vợ chồng anh đã bỏ cả buổi để la cà khảo giá tại các đơn vị quảng cáo bán căn hộ, những mong tìm được một đại lý bán với giá chênh phải chăng. Thế nhưng, có mặt tại đơn vị môi giới nào, anh Hải cũng được nhân viên môi giới dọa dẫm mua nhanh kẻo “mai kia giá còn tăng nữa”.

Sợ giá tăng, vợ chồng anh đã đánh liều mua một căn hộ. Thế nhưng, một tháng sau đi khảo giá lại, anh Hải phát hiện giá bán vẫn giữ nguyên, khiến anh có cảm giác như mình bị lừa!

Trên thực tế, hù dọa khách hàng là thị trường đang khan hàng, căn hộ sẽ tăng giá để đẩy mức chênh lệch kiếm lời đã trở thành chiêu trò được áp dụng rất phổ biến trong giới “cò” đất thời gian gần đây. Trong khi đó, khách hàng lại có tâm lý cho rằng những dự án có giá chênh là đang hút hàng, không mua ngay sẽ lỡ nên thường tìm đến những dự án có dạng này để mua.

Một chiêu thức phổ biến nữa đang được các sàn giao dịch bất động sản áp dụng. Đó là, sau khi nắm được quyền phân phối dự án, các sàn tổ chức chào bán thành nhiều đợt với số lượng căn hộ khác nhau và tăng giá cao dần trong các đợt mở bán sau. Cụ thể, lần mở bán đầu tiên bao giờ cũng như lần mở bán “rắc thính” để “hút” khách hàng bằng số lượng căn hộ ít ỏi và mức giá khá hấp dẫn, có thể là mức giá rẻ nhất trong các đợt mở bán của chủ đầu tư.

Các lần mở bán sau sẽ có mức giá tăng dần so với những lần mở bán trước khiến khách hàng đang “ngắm” dự án, đang có ý định đầu tư sẽ thấy sốt ruột và nghĩ rằng dự án rất hấp dẫn người mua và đã bán hết những căn mở bán trước nên mới tăng giá.

Chiêu trò của môi giới “giết chết” thị trường

Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện tượng một số chủ đầu tư, nhà môi giới tìm cách tăng giá đột biến, tạo nên “sốt ảo” ở một số dự án, chạy theo lợi nhuận nhất thời sẽ đánh mất lòng tin của khách hàng, thể hiện sự chưa chuyên nghiệp của thị trường hiện nay và làm giảm tiến trình phục hồi thị trường BĐS.

“Mục tiêu chúng ta là đưa giá BĐS về sát với giá trị thực, gần với nhu cầu của người dân, chứ không phải đưa giá BĐS ngày càng cao lên, sẽ rất nguy hiểm.Thị trường bền vững và cân đối đấy mới là điều chúng ta kỳ vọng. Chúng ta không mong muốn sự phát triển quá nóng hay sự bùng nổ ở giai đoạn nhất thời nào đó”, ông Quang nhấn mạnh.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này, việc nâng giá tạo sốt ảo chính là con dao hai lưỡi có thể giết chết đà phục hồi vừa mới manh nha của thị trường BĐS. Lý do được đưa ra là do nền kinh tế vừa thoát ra khỏi giai đoạn khủng hoảng và người dân chỉ vừa lấy lại được một chút ít niềm tin vào thị trường, việc nâng giá BĐS một cách bất thường sẽ khiến cho chút niềm tin vừa được lấy lại ấy hoàn toàn biến mất. Đương nhiên, các chủ đầu tư sẽ là những người đầu tiên gánh chịu hậu quả khi mà nhu cầu của khách hàng đột ngột giảm mạnh khiến cho tiền vốn họ bỏ ra không tìm được lối thoát và thị trường sẽ lại một lần nữa rơi vào cảnh ảm đạm như đã từng diễn ra trước đó.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia