Top

Tiền mất tật mang khi trục lợi gói 30.000 tỉ đồng

Cập nhật 29/08/2015 08:12

Bắt tay với chủ đầu tư, người mua nhà có nguy cơ tiền mất tật mang khi trục lợi gói 30.000 tỉ đồng.

Dự án Park View Resiedencen (Dương Nội, Hà Đông)

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều thông tin về các chiêu trò trục lợi gói 30.000 tỉ đồng tại một số dự án bất động sản như dự án Park View Resiedencen (Dương Nội, Hà Đông), CT12 Văn Phú (Hà Đông)... Theo đó, giá trị căn hộ tại những dự án này đều vượt quá tiêu chuẩn cho vay của gói 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, để thu hút khách hàng, chủ đầu tư đã dùng “chiêu trò” để tách hợp đồng mua nhà thành các hợp đồng nhỏ, có thể là hợp đồng mua nhà với hợp đồng môi giới, hợp đồng hoàn thiện căn hộ...

Theo tìm hiểu của phóng viên tại dự án một dự án ở Dương Nội - Hà Đông, chủ đầu tư sẽ giúp “gọt gót cho vừa giày”, tức là tác hợp đồng mua nhà sao cho thoả mãn tiêu chí vay gói 30.000 tỉ đồng. Và cũng bởi chiêu trò này, dự án đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người mua nhà. Ngay trong đợt giới thiệu căn hộ mẫu của dự án, lượng khách hàng tham dự đã lên tới gần 700 người, gấp khoảng 2 lần số lượng khách hàng chủ đầu tư mời.

Trước hiện tượng này, mới đây, đại diện một số ngân hàng đã lên tiếng khẳng định là chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu vi phạm quy định gói 30.000 tỉ đồng nhưng nếu phát hiện sẽ cho xử lý ngay.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng ngày 21/8 cũng có Công văn gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai một số nhiệm vụ chính sách nhà ở xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Trong Công văn, bên cạnh những vấn đề như triển khai các dự án nhà ở xã hội, chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội, cải cách thủ tục hành chính... Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi gói 30.000 tỉ đồng thực hiện thành tra, kiểm tra dấu hiệu trục lợi của tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai gói tín dụng để xử lý theo quy định.

Đưa quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, với cách làm này thì cả chủ đầu tư, người mua nhà và ngân hàng đều sai. Chủ đầu tư sai vì cố tình lách luật để trục lợi gói 30.000 tỉ đồng. Ngân hàng thì sai trong quá trình thẩm định, đánh giá, xem xét thủ tục. Còn người đi vay thì đồng loã để được vay vốn. Và trong 3 chủ thể này, Luật sự Đức cũng chỉ ra rằng người mua là người chịu thiệt nhất.

Nói vậy để thấy rằng, người mua nhà có thể lâm vào cảnh tiền mất tật mang khi trục lợi gói 30.000 tỉ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Petrotimes