Top

Khách hàng tham gia giải ngân thực hiện dự án

Thị trường bất động sản sẽ bớt dần mảng tối

Cập nhật 03/10/2013 14:22

Thị trường bất động sản (BĐS) đình trệ nhiều năm khiến hàng loạt dự án nhà chung cư ở TPHCM, Hà Nội lâm cảnh hết vốn triển khai, làm mất lòng tin của khách hàng. Do vậy, sau nhiều năm đấu tranh với chủ đầu tư để đòi lại số tiền đã đóng nhưng không được do mất khả năng thanh toán, các khách hàng trót mua phải những dự án vi phạm cam kết giao nhà đúng tiến độ đã bàn nhau góp tiền để cùng chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Hy vọng mô hình này sẽ giúp thị trường bớt dần những mảng xám.

Dự án tại ngã tư Hoàng Quốc Việt – Huỳnh Tấn Phát (Q7) ngưng thi công đã lâu

Mô hình khách hàng - ngân hàng - nhà phân phối - chủ đầu tư

Được cho là mô hình mới, lần đầu tiên triển khai dự án có sự tham gia của bốn bên gồm ngân hàng, khách hàng, nhà phân phối và chủ đầu tư. Trước nguy cơ đồng tiền đổ vào bị chôn chặt ở những dự án chậm bàn giao nhà nhiều năm qua, khách hàng đã chấp thuận đóng tiền tiếp, giúp chủ đầu tư thêm cơ hội thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc giải ngân buộc phải có sự tham gia của cả đại diện khách hàng, công ty phân phối độc quyền, ngân hàng và chủ đầu tư.

Trong việc này, chủ đầu tư chỉ đóng vai trò người nhận tiền để tổ chức thực hiện dự án theo tiến độ giải ngân từ đại diện khách hàng, nhà phân phối độc quyền. Cao ốc chung cư Đại Thành (221-223 Trịnh Đình Trọng, Q.Tân Phú) do chủ đầu tư là Công ty TNHH XD-TM DVSX Đại Thành làm chủ đầu tư là trường hợp  điển hình. Theo hợp đồng (HĐ) với khách hàng, chủ đầu tư khi bán đã cam kết giao nhà trong quý 1-2012, song hiện nay dự án vẫn còn dang dở  khiến nhiều người bức xúc gởi đơn đến cơ quan chức năng đòi kiện ra tòa. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cũng nhận thức rằng việc này khó có khả năng đòi được tiền vì chủ đầu tư không thể xoay ra vốn để thực hiện dự án thì lấy đâu ra để hoàn trả cho khách. Do vậy, ngày 14-9-2013, trong cuộc họp với chủ đầu tư, có sự tham gia của UBND Q.Tân Phú, đại diện Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, nhiều khách hàng đã chấp nhận đóng thêm phần còn thiếu trên HĐ, gửi vào tài khoản đồng sở hữu do Ban đại diện khách hàng và chủ đầu tư quản lý. Việc giải ngân cho nhà thầu theo tiến độ bắt buộc phải có chữ ký của cả hai bên.

Cơ hội thoát "mớ bòng bong"

Trước hướng đi có thể mở ra lối thoát cho dự  án, Công ty CP đầu tư Chương Dương - chủ đầu tư dự án Tân Hương Tower ( 118 Tân Hương, P.Tân Quý, Q.Tân Phú) cũng chọn hình thức này để lấy lại niềm tin cho khách hàng cũ và thu hút thêm khách mới nhằm tìm vốn thực hiện dự án. Theo thiết kế, dự án Tân Hương Tower cao 21 tầng, cung cấp khoảng 360 căn hộ, đã ký được 170 HĐ, tuy nhiên do thị trường BĐS “đóng băng”, chủ đầu tư cạn vốn nên sau khi xây đến tầng 10 thì buộc phải dừng lại hơn một năm qua. Do vậy, để khách hàng cũ an tâm, chủ đầu tư đã ký HĐ với Công ty CP đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Land) cùng thực hiện dự án. Theo đó, khi mua căn hộ khách hàng sẽ trả tiền vào tài khoản do cả Hưng Thịnh Land và phía Chương Dương đồng sở hữu. Tiền giải ngân cho nhà thầu sẽ có sự tham gia của Hưng Thịnh Land.

Đánh giá về hướng đi này, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land - cho biết: “Tân Hương Tower có nhiều lợi thế thu hút khách do mật độ xây dựng thấp, tọa lạc tại vị trí tốt, nhưng thời gian qua nhiều người còn do dự vì thấy dự án triển khai chậm. Do vậy, chúng tôi đã cùng chủ đầu tư thống nhất quản lý chặt chẽ dòng tiền của khách mua nhà. Số được giải ngân theo tiến độ dự án sẽ có sự xác nhận của cả hai công ty để tránh tình trạng dùng tiền của khách vào việc khác, ảnh hưởng đến tiến độ giao nhà”.

Việc hàng loạt dự án trên thị trường TPHCM, Hà Nội đình trệ, “rêu phong” như hiện nay chính là do thiếu những chế tài, phương án giải ngân tiền mua nhà của khách, tạo kẽ hở cho chủ đầu tư mang tiền của khách, đầu tư dàn trải, thực hiện dự án khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Công an nhân dân