Top

“Thần Kim Quy” sẽ giúp giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 15/03/2016 14:43

Ba năm triển khai thì đến gần hai năm mắc kẹt vì thủ tục, vì thiếu nguồn cung, đến nay, khi gói 30.000 tỷ đồng đang vào “trướn” thì lại phải “phanh” gấp vì gần về đến hạn chót.

Ảnh minh họa

Thị trường đang “rối tung” khi gói cho vay ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng cho người dân vay mua nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội chỉ còn 70 ngày nữa sẽ kết thúc.

Gần hai năm mắc kẹt

Gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng  “ra đời” từ 01/6/2013, nhưng nó đã “oặt oẹo” do vướng thủ tục xác nhận tình trạng không có nhà ở và thiếu nguồn cung nhà ở đáp ứng được yêu cầu cho vay, nên tính đến hết năm 2013, thị trường chỉ tiếp nhận khoảng 712 tỷ đồng, tương đương 2,3%.

Sau 02 năm, tính đến 31/5/2015, gói cho vay ưu đãi này cũng chỉ giải ngân được khoảng 25%, tương đương 7.621 tỷ đồng, cam kết cho vay là 14.161 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2015, giải ngân được 17.771 tỷ đồng, tương đương 59%, cam kết cho vay là 27.000 tỷ đồng. Như vậy, gói 30.000 tỷ đồng chỉ thực sự tăng tốc hơn 06 tháng trở lại đây khi thời điểm “rút đích” đã gần kề.

Số liệu mới đây nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 28.884 tỷ đồng đạt 96,%, và đã giải ngân lên tới hơn 20.000 tỷ đồng đạt gần 67%, với gần 43.000 hộ gia đình đã tạo lập được nhà ở mới, trong đó khoảng 70% là đối tượng mua căn hộ nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng, chỉ có khoảng 30% mua nhà ở xã hội.

Còn khoảng 10.000 tỷ đồng sẽ “chạy đua” trong 70 ngày tới để giải ngân. Tính bình quân thì mỗi ngày phải giải ngân khoảng 140 tỷ đồng. Có thể, gói 30.000 tỷ đồng sẽ không giải ngân hết trước thời điểm 01/6/2016.

Thủ tục rắc rối đã làm “tắc” gói 30.000 tỷ đồng thời gian đầu.


“Thúc” giải ngân sớm

Rối trí, cả người dân và doanh nghiệp bất động sản tìm mọi cách để có thể vay được hết gói 30.000 tỷ đồng như hợp đồng tín dụng đã ký.

Đẩy nhanh tiến độ dự án là một cách làm nhưng đây là cách “lực bất tòng tâm”.

Vì tiền có thể giải ngân 10.000 tỷ đồng trong vòng 01 ngày, nhưng có chủ đầu tư bất động sản nào xây dựng xong dự án trong vòng 01 đêm? Điều này chỉ có thể nhờ vào "Thần Kim Quy", như đã xây thành cho An Dương Vương trong sự tích của người Việt.

Thực sự vẫn còn nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ. Tại Hà Nội, dự án Bắc An Khánh do Tổng Công ty Vinaconex và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án nhà thu nhập thấp tại Đông Anh của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, dự án AZ Thăng Long... suốt một thời gian dài vẫn bất án binh bất động.

Tại Khánh Hòa có 4 dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ bao gồm: Chung cư An Thịnh, Chung cư đường sắt Nha Trang, Chung cư số 50 Lê Hồng Phong và dự án Nhà ở xã hội – Khu dân cư Bắc Vĩnh Hải.

Những dự án nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội chậm tiến độ cũng là nguyên nhân gây thiệt hại cho khách hàng ngày hôm nay. Chủ đầu tư không thể vô can trước việc này.

Trên địa bàn TP.HCM, nhiều dự án của CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng chưa triển khai kịp  để người mua nhà có thể hưởng trọn gói 30.000 tỷ đồng. Chẳng hạn, dự án HQC Nha Trang hiện xong tầng 07; dự án HQC Hồ Học Lãm xong tầng 1; dự án HQC Bình Minh xong phần móng; dự án HQC Phú Tài xong tầng 6…

Trước tình thế đó, chủ đầu tư HQC cam kết sẽ lấy lợi nhuận ra bù lãi suất cho khách hàng nếu Chính phủ không kịp thời có thêm gói ưu đãi nối tiếp. Đây chỉ là vấn đề lòng tin.

Còn về phía khách hàng mua nhà cũng đang ráo riết tìm mọi cách để được giải ngân sớm. Chẳng hạn, khách hàng của một dự án tại quận 8 và khách hàng tại dự án Đạt Gia, quận Thủ Đức, TP.HCM kiến nghị với chủ đầu tư và ngân hàng để được giải ngân toàn bộ số tiền trước ngày 01/6/2016.

Nhưng vấn đề đang được các chuyên gia bất động sản đặt ra là chủ đầu tư sẽ “ôm” tiền đi làm việc khác, dự án thì vẫn dậm chân tại chỗ, vì “tiền đã vào túi ông”.

Tránh tình trạng này, đã có kiến nghị số tiền giải ngân sớm này phải được để ở tài khoản của ngân hàng để ngân hàng quản lý…

“Vót cho tròn” gói 30.000 tỷ đồng

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã cấp tốc gửi công văn lên Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng cho người dân vay mua nhà.

Vì theo HoREA, mặc dù không cần thiết tiếp tục ưu đãi, hỗ trợ chủ đầu tư và tổ chức tín dụng trong việc giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu. Nhưng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị luôn luôn là đối tượng cần thiết có sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận nhà ở.

Gói 30.000 tỷ đồng với mục đích cuối cùng là giải quyết vấn đề nhà ở cho đa số người dân, góp phần an sinh xã hội. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đã bày tỏ quan điểm “đừng đẩy người dân vào tình thế đã rồi”, hãy “vót cho tròn” gói 30.000 tỷ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE