Top

Sàn giao dịch BĐS: Hồ hởi với các liên minh

Cập nhật 20/09/2013 09:09

Một liên minh R9+ của 9 sàn BĐS ra mắt được kỳ vọng là đem lại một sự khởi sắc mới của các mối liên kết. Tuy nhiên, phải làm gì để các liên kết của DN BĐS đi vào thực chất, cũng là điều thị trường BĐS đang đòi hỏi.

>> Ra mắt Liên minh sàn giao dịch bất động sản R9+


Liên minh R9+ không dấu tham vọng sẽ trở thành hệ thống tư vấn và phân phối sản phẩm BĐS chuyên nghiệp trên cả nước

Được biết, cách đây một năm, liên minh của 5 sàn giao dịch bất động sản BĐS lớn trên địa bàn Hà Nội với tên gọi G5 đã ra đời. Từ đó đến nay, liên minh này đã cùng mở bán xấp xỉ 10 dự án và đều gây được tiếng vang về mặt truyền thông cũng như hiệu quả bán hàng.

Hướng tới chuyên nghiệp

Không phải trong giai đoạn khó khăn của thị trường BĐS hiện nay mới xuất hiện các mối liên kết của DN kinh doanh BĐS. Thị trường BĐS đã chứng kiến sự ra đời của nhiều mối liên minh như: Câu lạc bộ (CLB) BĐS Hà Nội, CLB Kinh doanh BĐS, Mạng SGD BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam… rồi đến G5 và bây giờ là R9+. Bắt đầu với mục tiêu chia sẻ thông tin, tận dụng cơ hội kinh doanh hợp tác, các liên minh đi từ chỗ chưa chặt chẽ rồi dần chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Đã có không ít những lời ỳ sèo từ một số hội viên của các tổ chức liên minh như làm gì có chuyện chia sẻ cách làm, chia sẻ mối hàng, hay đơn giản chỉ là chia sẻ “kinh nghiệm xương máu”. Những cái bắt tay đầy toan tính vì sợ bị đối phương nhìn thấy điểm yếu hoặc lo lắng về khả năng mất cơ hội do bị cạnh tranh không phải hiếm.

Tuy nhiên, “người trong cuộc” lại có góc nhìn khác, ông Vũ Cương Quyết – TGĐ Sàn Đất Xanh Miền Bắc, thành viên của Liên minh sàn G5 cho biết, hầu hết DN làm dự án hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nên thay vì tự mở bán sản phẩm như trước, nhiều DN đã tìm đến những đơn vị chuyên nghiệp, có thể tư vấn giúp DN nâng cao hiệu quả trong việc bán hàng. Chính vì vậy, việc tham gia vào liên minh giúp các sàn có thể học hỏi kinh nghiệm và hướng đến sự chuyên nghiệp hơn.

Ông Quyết bộc bạch, hoạt động của liên minh sàn cũng bắt đầu từ những bất cập. Cụ thể, mỗi sàn đều có cách làm riêng, số lượng khách hàng riêng, thậm chí cả những “tiểu xảo” bán hàng và thu hút khách mua riêng. Trong khi đó, hoạt động của liên minh lại đòi hỏi sự minh bạch và thống nhất. Chỉ khi đạt được sự thống nhất, với thế mạnh của mỗi đơn vị, việc mở bán mới mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Quốc Khánh – TGĐ Cty CP Đầu tư và phân phối DTJ, Chủ tịch Liên minh G5 cho biết, quá trình hoạt động của G5 trong hơn 1 năm qua đã đem lại hiệu quả nhất định, nhiều dự án đã được liên minh kết hợp phân phối khá thành công, như Dự án Phúc Thịnh Towers, OCT2 Xuân Phương…

Trước những thành công bước đầu của G5, R9+ ra đời với những mối liên kết rộng và chặt chẽ hơn. Theo đó, các hoạt động của R9+ bao gồm: nghiên cứu, báo cáo thị trường, tư vấn chiến lược tiếp thị dự án và phân phối sản phẩm dự án và thẩm định giá, đấu giá BĐS… Ông Khánh nhận xét, khi việc liên kết thực sự mang lại hiệu quả thiết thực thì chẳng cần ép buộc các DN cũng sẽ tự nguyện tìm đến nhau.

Ông Vũ Kim Giang – TGĐ Cty CP đầu tư Thái Minh Quang (Sàn giao dịch bất động sản Thái Minh Quang) bày tỏ tham vọng, liên minh sẽ trở thành hệ thống tư vấn và phân phối sản phẩm BĐS chuyên nghiệp trên cả nước, trở thành thương hiệu hàng đầu của người Việt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ BĐS. Trong giai đoạn 2013 - 2015, mục tiêu của liên minh là chiếm 10% thị phần trên thị trường Hà Nội và đạt mức tăng trưởng từ 3%-5%/năm. Tiếp đến, liên minh sẽ mở rộng ra khu vực miền Trung và phía Nam.

Mở rộng hình thức liên kết

Một dạng liên kết khác cũng đang có xu hướng phát triển và gặt hái nhiều thành công là liên kết “ba nhà”: Cty BĐS, ngân hàng và sàn giao dịch BĐS. Theo ông Phan Thành Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS VN, mô hình liên kết “ba nhà” ngoài mục đích đảm bảo cho sự thanh toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu, giữa nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu được thông suốt, dự án sớm có sản phẩm để đưa ra thị trường, thì sẽ góp phần kiểm soát chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó TGĐ Cen Group thì cho rằng, sự liên kết này mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: ngân hàng sẽ giải quyết được nợ xấu, hỗ trợ chủ đầu tư đang mắc kẹt tại các dự án trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, đặc biệt là mang lại sản phẩm hợp lý nhất với nhiều ưu đãi cho đa số khách hàng có nhu cầu thực về BĐS. Ông Hưng lấy dẫn chứng, dự án CT2 Tân Tây Đô (đường 32, Hà Nội) trước đây phải tạm dừng thi công nhưng từ khi áp dụng mô hình liên kết “ba nhà” giữa Cty Hải Phát – MB – Sàn giao dịch BĐS Thế kỷ, dự án đã được ngân hàng rót vốn trực tiếp cho nhà thầu thi công và tiến độ triển khai khá nhanh. Không những vậy, chỉ sau 1 tháng bung hàng ra thị trường, 100 căn hộ của dự án CT2A Tân Tây Đô đã được khách hàng ký hợp đồng mua bán và đặt mua ngay trong tháng. Ngoài ra, một ưu điểm khác của mô hình liên kết này là khách hàng sẽ được ngân hàng hỗ trợ tới 70% giá trị hợp đồng khi mua dự án CT2 Tân Tây đô trong tháng 9/2013.

Việc liên kết giữa các sàn bất động sản sẽ tạo ra những lợi thế mới cho các DN như có thêm nguồn vốn, khách hàng, kinh nghiệm, đủ sức để đảm nhận những dự án lớn.

Sau các liên kết sàn và liên kết “ba nhà” thì liên kết giữa các sàn với nhau cũng được kỳ vọng sẽ gặt hái nhiều thành công khi thị trường BĐS hướng tới chuyên nghiệp hóa. Thị trường BĐS bắt đầu cảm nhận được hiệu quả của liên kết từ vụ  Sông Đà Sudico đã mời cùng lúc 5 sàn giao dịch thuộc các “liên minh” khác nhau trên địa bàn Hà Nội để mở bán nhà liền kề, biệt thự Khu đô thị Nam An Khánh. Một số đại diện của sàn giao dịch trên địa bàn Hà Nội đã cho rằng, xu hướng thành lập liên minh sàn giao dịch sẽ tiếp tục diễn ra và phát triển trong thời gian tới, khi nó ngày càng mang lại những hiệu quả thiết thực.

Đối với mô hình liên kết giữa các sàn giao dịch bất động sản, GS Đặng Hùng Võ cho biết, việc liên kết giữa các sàn bất động sản sẽ tạo ra những lợi thế mới cho các DN như có thêm nguồn vốn, khách hàng, kinh nghiệm, đủ sức để đảm nhận những dự án lớn.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng tỏ ra lạc quan, các mô hình liên kết sẽ trở thành “cầu nối” hiệu quả cung cấp cho khách hàng những sản phẩm chất lượng. Chủ đầu tư sẽ tiếp cận gần hơn, hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng. Còn cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng quan, nắm bắt sát sao tình hình thị trường, để kịp thời xây dựng các chính sách phù hợp, cùng vì một thị trường BĐS phát triển minh bạch, lành mạnh.

Tuy nhiên, điều quan trọng hàng đầu của các liên minh vẫn phải là minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Thời kỳ làm ăn theo kiểu chạy dự án, mua đất nông nghiệp giá rẻ để ăn chênh lệch giá của nhiều DN sẽ qua đi. Đã đến lúc DN phải chú trọng  tạo được niềm tin cho người mua nhà, học hỏi nhau kinh nghiệm làm hậu mãi… từ các liên minh. Liên minh chuyên nghiệp thị trường BĐS mới có thể phát triển bền vững.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn đàn Doanh nghiệp