Top

Quận, huyện ủng hộ ngăn tách thửa trá hình

Cập nhật 15/03/2018 09:03

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trường hợp phân lô tách thửa khu đất có hình thành đường giao thông phải theo quy trình dự án nhà ở.

Trên số báo trước chúng tôi nêu đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM về việc tách thửa khu đất lớn, có hình thành đường giao thông thì phải theo quy trình của dự án nhà ở chứ không chỉ áp dụng Quyết định 60/2017 của UBND TP.HCM.

Với đề xuất này, nhiều quận, huyện đồng tình nhưng có góp ý thêm để quy định khả thi hơn.

Đủ chiêu né làm hạ tầng khi tách thửa

Tại một cuộc họp với Sở Xây dựng, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết huyện rất mong mỏi có hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Ông Tài thông tin, trước khi có bản đồ địa chính, tại huyện Bình Chánh đã có hàng ngàn thửa đất ở mới được hình thành, trong đó nhiều thửa trên 1.000 m2. Tuy nhiên, chỉ khoảng 0,5% chủ đầu tư (chừng mấy chục trường hợp) làm hạ tầng đàng hoàng. Huyện đã siết bằng cách yêu cầu muốn tách thửa phải kết nối hạ tầng, đảm bảo diện tích cây xanh, giao thông và các tiện ích khác. Tuy vậy, các đầu nậu vẫn tìm đủ cách để xây dựng như làm nhà “ba chung” để né làm hạ tầng, đường giao thông.

Một chiêu khác nữa là lợi dụng quy định “đối với các thửa đất trong khu dân cư hiện hữu có một cạnh tiếp giáp đường giao thông thì không phải làm hạ tầng”. Từ đó chủ đất tách thửa và xây dựng bên trong nhưng hạ tầng không đảm bảo.

Cũng tại cuộc họp, đại diện quận Bình Tân rất ủng hộ hướng dẫn của Sở Xây dựng. Quận Bình Tân cho hay cũng gặp phải thực tiễn như Bình Chánh. Nơi này cho hay một cách lách luật nữa là chủ đầu tư cố tình xin phép xây dựng thấp tầng từ quy định “dưới tổng mức đầu tư thì không phải lập dự án”. Theo đó, chủ đầu tư chỉ xin phép xây dựng nhà cấp bốn, sau khi xây xong bán cho người khác thì người mua xin phép xây 2-3 tầng.

Một khu nhà ở “ba chung” lách quy định tách thửa ở huyện Nhà Bè. Ảnh: CẨM TÚ

Băn khoăn về số nền, số tiền…

Tuy nhiên, các quận, huyện cũng có nhiều góp ý với đề xuất của Sở Xây dựng.

Phó chủ tịch huyện Bình Chánh băn khoăn những trường hợp không kinh doanh bất động sản (như cha mẹ cho con) mà vẫn phải lập dự án thì khó được người dân đồng tình. Ngoài ra, đất ở nông thôn theo Luật Xây dựng 2014 là miễn phép xây dựng. Theo đề xuất của Sở, nếu yêu cầu lập dự án và cấp phép xây dựng thì cũng sẽ nhiều tâm tư.

Đại diện quận Bình Tân lo ngại con số “từ hai căn trở lên phải lập dự án” như Sở đề xuất sẽ khó áp dụng trong thực tiễn. Tương tự là yêu cầu khu đất tách thửa có tổng mức đầu tư dưới 15 tỉ đồng nhưng có yếu tố kinh doanh cũng phải lập dự án. “Vậy trường hợp tổng mức đầu tư chỉ khoảng vài trăm triệu đồng thì có lập dự án không? Nên khống chế cận dưới từ bao nhiêu tỉ đến 15 tỉ đồng thì sẽ sát hơn” - vị này góp ý.

Trong khi đó, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, một trưởng phòng quản lý đô thị (xin giấu tên) lo ngại thực hiện theo đề xuất của Sở sẽ khiến người dân khó mua được nhà. “Các khu đất phải thực hiện theo kiểu dự án nên giá bán sẽ rất cao, đa phần người lao động thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở thực sự sẽ khó mua nổi” - ông bày tỏ.

Theo ông, trong điều kiện đô thị đang phát triển và TP chưa có chương trình nhà ở đầy đủ cho người lao động thì cũng nên chấp nhận những khu nhà ở chất lượng vừa phải như một giai đoạn chuyển tiếp. “Thực tế vẫn có nơi chủ đầu tư làm hạ tầng khá tốt khi tách thửa theo QĐ 33 của TP và tạo sản phẩm giá hợp lý, phù hợp người lao động. Nên tìm cách phát huy theo hướng này” - ông bày tỏ.


Không cấm tách thửa để kinh doanh

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho rằng đề xuất của Sở không gây khó khăn cho người có nhu cầu tách thửa cho con, thừa kế.

Những trường hợp này vẫn giải quyết theo quy trình bình thường. Yêu cầu lập dự án khi tách thửa phân lô chỉ áp dụng cho những khu đất lớn, tách thửa có hình thành đường giao thông và có yếu tố kinh doanh. “Tôi cho rằng địa phương vẫn nắm được trường hợp tách thửa để cho con, thừa kế hay tách thửa để phân lô và kinh doanh. Khu đất mấy ngàn m2, tổng mặt bằng chia thành hàng chục, thậm chí cả trăm thửa mà nói là tách thửa cho con thì khó hợp lý” - ông bày tỏ.

Ông cho rằng đề xuất của Sở không làm hạn chế nhu cầu tách thửa của người dân, kể cả nhu cầu kinh doanh. “Sở chỉ phân tích, tổng hợp các quy định pháp luật và đề giải pháp căn cứ các cơ sở pháp lý này để các bên liên quan thực hiện, đảm bảo đúng pháp luật và đúng bản chất của sự việc” - ông nêu.


DiaOcOnline.vn - Theo PLO