Top

“Phản ứng phụ” từ các cơn sốt đất

Cập nhật 05/07/2010 14:40


Các văn phòng môi giới nhà đất nằm san sát nhau ngay ở đầu thôn An Thọ, xã An Khánh
Dự án đường cao tốc Láng - Hoà Lạc và những quy hoạch đô thị lớn dọc hai bên đường cao tốc khiến đất đai ở các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì... ngày một có giá.

Thế nhưng, cùng với sự tăng giá không ngừng của đất, người dân nơi đây đang hàng ngày đối mặt với "phản ứng phụ" của những cơn sốt đất.

Đường vào thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) san sát những tấm biển quảng cáo các trung tâm môi giới bất động sản. Những năm trước, An Thọ là một thôn thuần nông với hơn 90% số hộ gia đình làm nông nghiệp. Sau khi Dự án Khu đô thị Nam An Khánh được phê duyệt, toàn bộ đất canh tác của thôn đã được giải toả để làm dự án. Sẵn tiền đền bù dự án, người dân đua nhau xây nhà cao tầng, sắm sửa xe máy... Xây nhà nếu thiếu tiền, họ tiếp tục bán đất thổ cư xây tiếp. Các ngôi nhà cao 3 - 4 tầng được xây dựng san sát. Đường làng gạch, đá, cát xây dựng chất đống hai bên để phục vụ các công trình xây dựng. An Thọ bây giờ đã mang dáng dấp của một phố thị, chứ không còn là làng quê thuần nông như trước.

Tìm hiểu thực tế "chợ đất" An Khánh, chúng tôi tìm đến một "văn phòng tư vấn" bất động sản khá hoành tráng nằm ngay đầu tại thôn An Thọ. Người đàn ông tên Thái, Giám đốc văn phòng giới thiệu với chúng tôi đủ các loại đất, từ đất dự án trong các khu đô thị, đất vườn, đất ruộng... loại nào cũng có Mỗi suất đất có diện tích nhỏ nhất là 50 m2 có giá từ 300 triệu đồng đến các suất đất lớn vài sào có giá từ 3 đến 5 tỷ đồng, tùy từng vị trí (theo quy hoạch trên giấy mà các trung tâm môi giới nhà đất đưa ra). Đất nền ở Khu An Khánh - An Thượng (khu vực giao giữa đường vành đai 4 và đường Láng - Hòa Lạc) cũng được đẩy giá lên khá cao, đầu năm mức giá chào bán vào khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2, nhưng giờ đang dao động ở mức 28 triệu đồng/m2.

Ông Thái đưa ra bản photo đen trắng quy hoạch chi tiết (1/500) Dự án Khu đô thị Bắc An Khánh và chỉ cho chúng tôi xem vị trí các lô đất tại thôn Lại Yên, xã An Khánh. Nếu mua, chúng tôi chỉ cần điền tên vào các mẫu hợp đồng đã được photo sẵn. Hợp đồng mua bán bao gồm bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi, giấy xin giao lại quyền sử dụng đất dịch vụ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất dịch vụ và đơn xin xác nhận diện tích đất bị thu hồi của UBND xã. Tuy nhiên, việc chứng nhận của UBND xã chỉ là chứng nhận việc thu hồi diện tích đất nông nghiệp của người dân là có thật, còn việc đền bù đất dịch vụ cho các hộ dân ra sao lại không thuộc thẩm quyền của UBND xã.

Ruộng mất, nghề không

Rong ruổi trong các thôn An Thọ, Vân Lũng, xã An Khánh, chúng tôi nhận thấy, phía sau vẻ hào nhoáng của những ngôi nhà cao tầng vẫn là dáng vẻ của những người nông dân lam lũ, giờ đất ruộng không còn, một số gia đình xoay sang làm những nghề phụ như đan lát, kinh doanh nhỏ..., nhưng phần đông là thất nghiệp.

Trên phần đất đã thu hồi làm Khu đô thị Nam An Khánh, từng đàn bò thong dong gặm cỏ. Chị Ngần, chủ đàn bò 4 còn đang thả trong khu đô thị cho biết, sau khi được đền bù, vợ chồng chị đã sắm một chiếc xe công nông để làm thêm, nhưng công việc làm ăn... cũng phập phù.

Theo ông Bùi Văn Hướng, một cán bộ xã An Khánh đã về hưu, từ năm 2007, giới đầu cơ đất đã đổ xô về khu vực này để mua các suất đất dịch vụ. Việc mua bán diễn ra dưới hình thức trao tay, người bán yêu cầu UBND xã chứng nhận là họ có một số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho các dự án và có giấy đồng ý bán diện tích đất dịch vụ của các thành viên trong gia đình là người mua chấp nhận. Bình thường một suất đất dịch vụ (khoảng 50 m2) có giá 80 - 100 triệu đồng/m2. Đầu năm nay, thị trường nhà đất sốt nóng, giá bán đã được đẩy lên đến 250-300 triệu đồng/suất, thậm chí, có gia đình đã bán được 300 triệu đồng/suất. Sau khi bán hết đất dịch vụ, người dân ôm một đống tiền rồi... không biết làm gì.

Đất đồng bỏ hoang

Dọc theo gần 30 km hai bên đường cao tốc Láng - Hoà Lạc có hàng chục dự án nhà ở, khu đô thị đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Dự án lớn như Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Gleximco, CEO... lên đến hàng trăm héc-ta, dự án nhỏ là vài héc - ta. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều vẫn đang trong tình trạng san lấp mặt bằng dở dang.

Xung quanh các thôn An Thọ, Vân Lũng, xã An Khánh bây giờ là các dự án khu đô thị mới dọc đường Láng - Hòa Lạc như An Khánh, Geleximco, An Khánh - An Thượng... có giá đất nền dự án hiện đã lên đến 25 - 30 triệu đồng/m2, đất trong làng cũng tăng lên mức 8 - 9 triệu đồng/m2. Anh Tiến, một cò đất tại thôn An Thọ tư vấn cho chúng tôi rằng: "Nếu mua đất canh tác, rồi xây nhà cấp 4, anh có thể "làm luật" được.

Mặc dù giao dịch đất trên địa bàn đang trong tình trạng bất động do thông tin Nhà nước ra tay siết chặt bong bóng bất động sản phía Tây, nhưng giá cả hầu như không hề giảm. Người bán không ai chịu xuống giá. Nhà nào quá cần tiền, cùng lắm họ chỉ bán hoà vốn thôi". Tất cả đều kỳ vọng đường Láng - Hoà Lạc hoàn thành trong năm nay, giá đất sẽ còn tăng tiếp. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi, nếu giá đất còn lên tiếp, đất bán hết, sau này con cháu họ sẽ ở đâu thì không có ai trả lời!

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư