Top

Nóng trong tuần: Cấp sổ đỏ chỉ trong 10 ngày

Cập nhật 31/08/2014 10:47

Thời hạn vay gói 30.000 tỷ nay kéo dài tới 15 năm, Cấp sổ đỏ ở Hà Nội chỉ mất 10 ngày, Sang nhượng chung cư trái phép sẽ bị phạt 40-50 triệu đồng… là những tin BĐS nổi bật tuần qua.

Thời hạn vay gói 30.000 tỷ nay kéo dài tới 15 năm

Thời gian vay vốn mua nhà đã được điều chỉnh lên 15 năm, thay vì 10 năm như hiện nay.

Thời hạn vay gói 30.000 tỷ nay kéo dài tới 15 năm

Theo Nghị quyết 61/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, vừa được Thủ tướng ký ban hành, có hiệu lực từ 21/8/2014, Chính phủ quyết định sửa đổi thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân tối đa là 15 năm, thay vì 10 năm theo Nghị quyết 02 khi vay vốn để mua, thuê mua nhà ở thương mại tại các dự án trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với việc kéo dài thời gian hỗ trợ, Chính phủ cũng quyết định bổ sung đối tượng được vay vốn mua nhà.

Cấp sổ đỏ ở Hà Nội chỉ mất 10 ngày

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để giải quyết tình trạng còn nợ đọng gần 70.000 sổ đỏ, từ này đến hết ngày 31/12, các thủ tục để cấp sổ đỏ được rút ngắn từ hai tháng xuống chỉ còn 10 ngày làm việc.

Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ của các tổ chức. Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội là đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ của chủ đầu tư hoặc người mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở.

Điểm mới của quy trình này là các Phiếu chuyển thông tin địa chính, Phiếu yêu cầu bổ sung thông tin, Thông báo nộp nghĩa vụ tài chính của liên ngành (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Chi cục Thuế các quận, huyện, thị xã, Kho bạc Nhà nước Hà Nội) đều chuyển qua đường chuyển phát nhanh và hệ thống thư điện tử của thành phố, hệ thống thư điện tử của Tổng cục Thuế.

Trường hợp đủ thông tin thì không quá hai ngày, Chi cục Thuế xác định nghĩa vụ tài chính và phát hành Thông báo nộp nghĩa vụ tài chính cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.

Tiếp đó, không quá một ngày, kể từ thời điểm nhận được Thông báo nộp thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm thông báo cho các tổ chức, chủ đầu tư hoặc người mua nhà ở để đi nộp nghĩa vụ tài chính và nhận giấy chứng nhận.

Đề nghị “nới” chính sách để người thu nhập thấp được mua nhà

Ngày 27-8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII đã làm việc với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan về việc thực hiện Luật Nhà ở tại Thủ đô.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, TP Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở. Trong đó, có cơ chế ưu đãi đối với việc cải tạo chung cư cũ; bổ sung chính sách về thuế, tài chính, tín dụng phù hợp nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển quỹ nhà ở xã hội.

Mặt khác, cũng cần quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chăm lo nhà cho công nhân, người lao động. Thành phố cũng kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành ở TƯ tìm kiếm nguồn vốn dài hạn để phát triển quỹ nhà ở cho thuê, thuê mua; rút ngắn thủ tục đầu tư, thủ tục thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; hình thành các quỹ tài chính, tín dụng, quỹ tiết kiệm nhà ở tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có thể vay để thuê, mua nhà ở xã hội. Đặc biệt là cho phép các đối tượng đã ký hợp đồng mua nhà xã hội cho người thu nhập thấp trước ngày 7-1-2013 được vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Kiến nghị chính sách ưu đãi cải tạo chung cư cũ

Ngày 27/8, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực hiện Luật Nhà ở, lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc cải tạo chung cư cũ, cũng như việc tìm kiếm nguồn vốn dài hạn để phát triển nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội cho thuê.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, trên địa bàn có khoảng 1.155 nhà chung cư (cao 3 đến 5 tầng) và 10 khu thấp tầng (từ 1 đến 2 tầng) với tổng diện tích khoảng 1,7 triệu m2 cần được cải tạo, xây dựng lại. Trong việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở cho sinh viên đang gặp phải một số khó khăn như thiếu vốn; cơ chế chính sách chưa hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia...

Đại diện TP Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, ngoài việc đưa vào luật các cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển quỹ nhà ở xã hội. Điều chỉnh các quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc cải tạo chung cư cũ hiện nay.

Đặc biệt, để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, TP đã thành lập Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội, nhằm mục đích tiếp nhận vốn ngân sách, huy động vốn từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

Sang nhượng chung cư trái phép sẽ bị phạt 40-50 triệu đồng

Người dân được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, người thuê mua nhà ở mà chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, cho mượn nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, thì sẽ bị chịu phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Theo đề nghị của Sở Xây dựng Đà Nẵng vừa được UBND thành phố đồng ý, cán bộ, công nhân viên chức, người dân được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, người thuê mua nhà ở mà chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, cho mượn nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, thì sẽ bị chịu phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng (theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP), trước khi bị thu hồi căn hộ chung cư.

UBND thành phố Đà Nẵng giao các sở, ngành chức năng trước ngày 10/9 tham mưu, đề xuất thành phố ban hành chỉ thị liên quan việc tăng cường công tác quản lý và sử dụng nhà ở chung cư do Nhà nước đầu tư xây dựng.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet