Top

Thanh tra xây dựng buông lỏng quản lý:

Nhà siêu mỏng, siêu méo tại Hà Nội vẫn còn “đất sống”

Cập nhật 26/07/2016 16:36

Xử lý vi phạm trật tự xây dựng dù được các ngành chức năng của Hà Nội thực hiện có phần ráo riết và mạnh tay hơn, nhưng tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn luôn “nóng”. Hà Nội “tấc đất tấc vàng” nên khó tránh khỏi việc người dân cố tình vi phạm, nếu như không muốn nói còn có sự buông lỏng, hay làm ngơ của một bộ phận cán bộ. Phạt rồi cho tồn tại, để rồi những nhà siêu mỏng, siêu méo ngang nhiên mọc lên.

Số liệu từ Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng thanh tra xây dựng các cấp thuộc thành phố Hà Nội đã lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đối với 1.592 trường hợp. Trong đó, có 559 công trình không phép, 348 công trình sai phép, sai thiết kế, quy hoạch...

Kết quả có được sau khi các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã kiểm tra hơn 10.000 công trình. Như vậy, tỷ lệ công trình vi phạm trên số công trình được kiểm tra lên tới hơn 15%. Theo Thanh tra Sở Xây dựng, trong số 1.592 trường hợp công trình đã thiết lập hồ sơ vi phạm, UBND các cấp đã xử lý 980 trường hợp (cưỡng chế 183 trường hợp), còn hơn 600 trường hợp đang tiếp tục giải quyết.


Những căn nhà siêu mỏng vẫn mọc trên các tuyến phố mới ở Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu.

Cũng theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, 100% trường hợp vi phạm trật tự xây dựng bị phát hiện đã được thanh tra xây dựng lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý, chuyển cho UBND các cấp xử lý theo thẩm quyền. So với cùng kỳ năm 2015, tổng số công trình kiểm tra giảm 12%, song số công trình vi phạm bị phát hiện, lập biên bản tăng 29%.

Số công trình phải nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau thanh tra lên tới hơn 1.000 trường hợp, tăng 82%; số tiền xử phạt thu nộp ngân sách hơn 13,85 tỷ đồng, tăng 12,5%. Trong đó, nhiều công trình vi phạm còn liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, vi phạm pháp luật bảo vệ rừng… hoặc đã kéo dài nhiều năm.

Nổi cộm và nóng nhất trong việc vi phạm trật tự xây dựng là tình trạng các nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn mọc lên khi mỗi tuyến đường mới được mở ra. Không khó để thấy những tòa nhà siêu mỏng mọc lên trên tuyến đường Xã Đàn mới - Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Cầu Giấy), đường vành đai 2 Nhật Tân - Xuân La - Bưởi.

Thậm chí, một số tuyến đường được xem là “bộ mặt Thủ đô với khách quốc tế” như đường Võ Chí Công cũng tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo. Tại đoạn đầu đường Võ Chí Công, gần điểm giao với đường Hoàng Quốc Việt, một ngôi nhà mà không thể miêu tả được là hình gì ngang nhiên xây dựng, tồn tại và hiện đang kinh doanh. Ngôi nhà có chiều rộng chỉ khoảng 1,5 đến 2m, nằm mất cân xứng với những toà nhà hiện đại đã được chỉnh trang, xây mới để tiến ra mặt phố.

Theo quy định của thành phố Hà Nội, những diện tích dưới 15m² sẽ không được xây dựng công trình. Tuy nhiên, tại những con phố mới, quy định này dường như không có hiệu lực. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết trước tháng 12-2015, đơn vị này tổng rà soát nhà siêu mỏng, siêu méo đợt 1, phát hiện 513 trường hợp đã xử lý hợp thửa, thu hồi 244 trường hợp, còn lại 269 trường hợp chưa xử lý. Ông Lý Chí Hồng, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khi đường mở qua khu vực dân cư sẽ xuất hiện những trường hợp thửa đất còn lại bị cắt xén với hình dạng kỳ dị.

Theo ông Hồng cho biết: “Thẩm quyền giám sát, kiểm tra xử lý các nhà không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng thuộc quận, huyện. Để xảy ra tình trạng này là chủ đầu tư không tính đến từ khi lập dự án để giải phóng mặt bằng. Hiện, Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư phải tính đến công trình sau cắt xén có thể xảy ra siêu mỏng, siêu méo để xử lý từ đầu”.

Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến vi phạm TTXD kéo dài, chậm được xử lý là do lực lượng Thanh tra xây dựng địa bàn chưa làm hết trách nhiệm trong theo dõi, đôn đốc. Hiện tượng vi phạm kỷ luật công vụ, buông lỏng quản lý, để xảy ra các vụ vi phạm TTXD không phải hiếm. Từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng đã xem xét trách nhiệm 31 công chức, buộc thôi việc 2 trường hợp; cảnh cáo, khiển trách 13 trường hợp; giáng chức 2 trường hợp; hiện tiếp tục xem xét trách nhiệm 13 cán bộ, công chức vì có liên quan tới vi phạm TTXD.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc thiếu quyết liệt, thậm chí có phần thờ ơ của chính quyền cơ sở cũng là một nguyên nhân khiến vi phạm TTXD còn đất sống. Có những vụ việc, Thanh tra xây dựng đã lập hồ sơ, chuyển cho chính quyền các cấp xử lý theo thẩm quyền nhưng không được xử lý triệt để. Thậm chí, có xã, phường không cử cán bộ phối hợp kiểm tra với thanh tra.

Đó là chưa kể, có những vụ việc còn liên quan tới vi phạm đất đai nên quan điểm chỉ đạo xử lý, áp dụng giải quyết giữa các địa phương còn khác nhau, dẫn đến thời gian xử lý bị kéo dài. Với tình trạng xử lý kiểu nửa vời như hiện nay thì tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn Hà Nội sẽ còn là bài toán chưa có hồi kết, trong đó có tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo trên mỗi tuyến phố mới mở.


DiaOcOnline.vn - Theo CAND