Top

Nhà chung cư - Làm sao mua được?

Cập nhật 14/07/2011 13:30

Thủ đô Hà Nội đang mọc lên nhiều chung cư cao tầng trông thật ngoạn mục, hoành tráng, càng ngày càng mang đậm dáng dấp của những thành phố hiện đại.

Dĩ nhiên là ai có nhu cầu, bỏ tiền ra sẽ mua được căn hộ như ý. Và một phương thức phổ biến nhất đã được áp dụng: Dân nộp trước một tỷ lệ tiền nào đó trước khi khởi công xây dựng, rồi nộp tiếp thành nhiều đợt, ứng với việc hình thành ngôi nhà qua từng giai đoạn. Khi tiếp nhận căn hộ, sẽ trả hết toàn bộ tiền.

Có vẻ như rất sòng phẳng, minh bạch, chẳng có gì phải nói. Nhưng sự thật thì sao?

Khá đông cán bộ, viên chức Nhà nước có nhu cầu bức thiết về nhà ở thu nhập không cao, không thể mua nhà qua "cò", qua các trung tâm môi giới, qua người buôn đi, bán lại mà chỉ có thể cố gắng thắt lưng buộc bụng, vay mượn để mua nhà với giá gốc ban đầu do Nhà nước quy định. Nhưng cái "giá gốc" kia trước khi xây dựng từng ngôi nhà đã không được công khai thông báo trên mọi phương tiện cần thiết nghĩa là không đến được với số đông người, mà hầu như chỉ là biết "nội bộ". Thảo nào mà tất cả những chung cư cao tầng xây chưa xong đã được bán hết. Ai muốn mua lại chỉ còn cách là phải bỏ tiền nhiều hơn "giá gốc", sẽ có người bán lại ngay. Thế là kẻ không có nhu cầu về chỗ ở được tiếp tay để hưởng lợi không chính đáng, trong khi người thực sự cần nhà thì như bị trấn lột, phải biếu tiền không cho đám người kia, dưới hình thức "thuận mua vừa bán".

Mua được nhà "giá gốc" vẫn là mơ ước của người dân

Nhà nước đã quan tâm đến dân nghèo bằng việc xây nhà bán cho người có thu nhập thấp với giá họ chấp nhận được. Vậy mà vẫn diễn ra cảnh buôn bán trao tay kiếm lời. Người nghèo vẫn cảm thấy bất ổn về nhà ở.

Đất là tài sản quốc gia, Nhà nước đứng ra xây dựng để phục vụ nhu cầu nhà ở của nhân dân mà rốt cuộc họ không được hưởng sự chăm lo đó. Tình trạng này do đâu? Những cơ quan và cá nhân nào để xảy ra việc này? Nên chăng là dù bán nhà cũng phải đưa về các cơ quan (nếu là người "Nhà nuớc"), khu phố (nếu là người "tự do") bình xét như việc phân phối, cấp không nhà, thời bao cấp xưa?. Đơn giản chỉ vì khi "cung" chưa đáp ứng đủ "cầu" thì cần phải có sự công bằng.

DiaOcOnline.vn - Theo PL&XH