Top

Mòn mỏi chờ mở đường: Phải tính đến quyền lợi của dân

Cập nhật 05/12/2012 13:35

Trong năm 1995 và 1999, UBND TP.HCM công bố lộ giới hơn 1.700 tuyến đường trên địa bàn TP. Từ đó đến nay, quyền lợi của hàng chục ngàn hộ dân sống tại những tuyến đường trên cũng bị “treo” theo lộ giới.

Thu hẹp lộ giới quy hoạch, bỏ đường dự phóng thì tỉ lệ diện tích đất giao thông giảm, còn giữ lại thì ảnh hưởng đến quyền lợi của dân. Vậy giải quyết ra sao?
 

Đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh đã được điều chỉnh lộ giới từ 50m còn 30m - Ảnh: Ngọc Hà

Theo yêu cầu của UBND TP.HCM, từ đầu tháng 11 đến nay, UBND các quận huyện đang tập trung rà soát quy hoạch lộ giới, quy hoạch đường dự phóng.

Xem xét xóa “treo”

Thời gian qua, các quận huyện đã nhiều lần điều chỉnh giảm lộ giới các tuyến đường hiện hữu, thu nhỏ lộ giới hoặc xóa quy hoạch các tuyến đường dự phóng trong những lần điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn. Những tuyến được xóa “treo” (dự phóng hoặc quy hoạch) thường là không còn phù hợp, khó có khả năng thực hiện do hiện nay đã có quá nhiều công trình xây dựng, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao nhưng hiệu quả mở đường dự tính sẽ không lớn, tuyến đường ảnh hưởng đến nhiều nhà dân, hoặc có đường khác thay thế...

Cụ thể, Q.Gò Vấp đã xóa quy hoạch “treo” tuyến đường dự phóng 30m nối Lê Văn Thọ và đường Thống Nhất thuộc P.11; xóa một số tuyến đường dự phóng ở P.3, thay thế bằng cách mở rộng lộ giới các hẻm có sẵn. Nguyên nhân là các tuyến đường dự phóng trên “vẽ” hoàn toàn trên khu vực đã có dân cư đông đúc, nếu như mở đường phải di dời rất nhiều nhà dân. Tuyến đường Trần Bá Giao đã được giảm lộ giới từ 20m còn 16m do đã có đường Tham Lương Bến Cát chạy song song.
 

Theo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, sau khi các quận huyện rà soát quy hoạch lộ giới các tuyến đường đã công bố, sở sẽ xây dựng các tiêu chí chia quy hoạch lộ giới thành ba nhóm. Nhóm các tuyến đường có lộ giới mở rộng phải giữ nguyên, nhóm các tuyến đường giữ lộ giới nhưng phải lên kế hoạch ưu tiên thực hiện mở đường và nhóm các tuyến đường không cần thiết mở rộng, không cần thiết mở đường (đối với đường dự phóng). Sở sẽ nghiên cứu trình UBND TP ban hành những chính sách để giảm thiệt hại đối với trường hợp người dân có nhà, đất trong phạm vi lộ giới hoặc đường dự phóng.

Q.Bình Thạnh cũng điều chỉnh lộ giới 12 tuyến đường được đánh giá là không mang tính huyết mạch về giao thông (đường Nguyễn Thái Học, P.1 giảm lộ giới từ 12m còn 8m, đường Bình Lợi từ 30m còn 20m, đường Ung Văn Khiêm từ 50m còn 30m...).

Vừa qua, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP đưa ra những tiêu chí sơ bộ để UBND các quận huyện rà soát các tuyến đường giao thông cấp nội bộ (lộ giới từ 20m trở xuống). Cụ thể, các tuyến đường dự phóng cần giữ lại: đường phân khu nằm giữa hai khu chức năng khác nhau, đường bao quanh khu quy hoạch có chức năng khác với khu vực xung quanh, đường vào khu duy nhất cho khu quy hoạch nhóm nhà ở, các công trình quan trọng.

Xem xét điều chỉnh hướng hoặc xóa quy hoạch đối với các tuyến đường khu vực dự phóng có chiều dài dưới 150m, các tuyến đường, hẻm phát sinh bất cập trong quá trình quản lý có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi của cộng đồng dân cư, các tuyến đường có khiếu nại tập thể đề xuất điều chỉnh vì lợi ích cộng đồng.

Đối với quy hoạch lộ giới đường thì giữ lại các tuyến đang triển khai hoặc đã có kế hoạch mở rộng, tuyến đường vào duy nhất cho khu quy hoạch nhóm nhà ở, các công trình quan trọng đã xây dựng mà chiều rộng đường quá hẹp... Xem xét bỏ quy hoạch lộ giới các tuyến đường đã có dự án thực hiện đường tránh thay thế.

Theo một cán bộ quản lý đô thị, với những tiêu chí trên thì những tuyến đường được xóa “treo” rất ít.

Nên cho xây nhà và cấp giấy chủ quyền

Dựa vào những tiêu chí trên của Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, Q.Bình Thạnh rà soát 91 tuyến đường nhưng chỉ đề xuất điều chỉnh 10 tuyến, đa số là giảm lộ giới. Theo đại diện Phòng quản lý đô thị Q.Bình Thạnh, những tuyến đường này đã có các đường gần đó thay thế, không cần thiết phải mở rộng.

Q.5 rà soát 14 tuyến đường dự phóng và sáu tuyến đường đã công bố lộ giới nhưng chỉ đề xuất điều chỉnh lộ giới một tuyến đường. Đại diện Phòng quản lý đô thị Q.5 cho rằng đa số tuyến đường dự phóng đã được quản lý ranh ổn định, người dân có lấn chiếm xây nhà nhưng không có phép và không được cấp giấy chứng nhận. Ở một số đường dự phóng đang được quy hoạch thành các dự án nên phải giữ lại quy hoạch. Khi chủ đầu tư thực hiện dự án phải làm đường để giao lại cho Nhà nước. Hơn nữa, đất giao thông của Q.5 hiện nay rất thấp...

Q.11 rà soát 89 tuyến đường và đề xuất bỏ lộ giới, xóa đường dự phóng 12 tuyến đường, điều chỉnh lộ giới 5 tuyến đường. Còn Q.11 đề xuất các cơ quan chức năng lên kế hoạch thực hiện sớm sáu tuyến đường do những tuyến này là các trục thương mại quan trọng của quận, cần mở rộng để tăng giao thương buôn bán... UBND Q.12 đề xuất hủy 21 tuyến đường dự phóng, điều chỉnh lộ giới 17 tuyến đường.

Nhiều quận huyện cho biết có nhiều tuyến đường quy hoạch “treo” lâu năm, ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của dân nên người dân rất bức xúc, nhiều lần kiến nghị xóa “treo”. Tuy nhiên, do tỉ lệ đất giao thông của các quận huyện này hiện nay quá thấp nên không đề xuất điều chỉnh quy hoạch lộ giới hoặc đường dự phóng.

Trưởng phòng quản lý đô thị một quận trung tâm TP cho rằng nhiều tuyến đường bị quy hoạch “treo” hàng chục năm qua là lãng phí rất lớn. Vị này đề xuất nên cho người dân có nhà, đất trong quy hoạch lộ giới, đường dự phóng được xây dựng nhà đến ba tầng như UBND TP từng tính đến và được cấp quyền sở hữu nhà. Làm như vậy sẽ có nhiều cái lợi: nhà cửa khang trang hơn, bộ mặt đô thị được chỉnh trang, người dân kinh doanh thuận lợi hơn, đóng thuế cho Nhà nước nhiều hơn... Khi đó Nhà nước có thể chậm làm đường cũng không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của dân.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ