Top

Lần đầu đấu thầu dự án BOT giao thông

Cập nhật 05/10/2011 14:15


Hành trình qua đèo Phước Tượng sẽ được rút ngắn rất nhiều khi có hầm đường bộ. Ảnh: P.V
Dự án Xây dựng hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng sẽ là công trình giao thông thực hiện theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) đầu tiên lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu cạnh tranh.

Dự án Xây dựng hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng được đánh giá là một trong những công trình BOT "ngon" nhất hiện nay. Đối với các nhà đầu tư, sức hút của Dự án không chỉ đến từ việc quy mô xây dựng công trình không quá lớn, nằm trên tuyến đường huyết mạch độc đạo có lưu lượng rất lớn (lên tới 21.000 xe tiêu chuẩn/ngày đêm), mà đây còn là công trình có tỷ suất nội hoàn tài chính khá cao (13,9%). Bên cạnh đó, việc xây dựng các hầm đường bộ có chiều dài dưới 1 km hiện không phải là yêu cầu quá sức đối với nhiều nhà thầu Việt Nam.

Dự án có chiều dài 8,4 km, nằm trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế. Công trình gồm: hầm đường bộ qua đèo Phước Tượng dài 400 m và đường dẫn vào hầm dài 4,44 km tại Km867 + 700 - km872 +540, Quốc lộ 1; hầm đường bộ qua đèo Phú Gia dài 500 m và đường dẫn vào hầm dài 2,9 km tại Km 882 +700 - Km885 + 500, Quốc lộ 1.

Theo yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải, các hầm này sẽ phải đủ rộng để chứa đủ 2 làn xe cơ giới lưu thông an toàn. Với quy mô xây dựng như trên, tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến là 1.186 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 810 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 43 tỷ đồng... Cần phải nói thêm rằng, tại Dự án Xây dựng hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng, nhà đầu tư được quyền khai thác Trạm thu phí Phú Bài để hoàn vốn.

"Dự án Xây dựng hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng đã hội đủ những điều kiện cần để trở thành dự án đường bộ đầu tiên thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư", ông Nguyễn Đức Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.

Theo ông Thắng, điều kiện cần đầu tiên được thỏa mãn là việc Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) hoàn thành đề xuất dự án, tức là "chốt" được những tiêu chí quan trọng nhất để kêu gọi vốn đầu tư.

Điều kiện thứ hai là việc Thông tư số 03/2011/BKHĐT ngày 27/1/2011 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP đã cung cấp những cơ sở pháp lý và những chỉ dẫn cần thiết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập hồ sơ mời thầu, quy trình lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật và tài chính, đàm phán nội dung hợp đồng BOT.

Theo ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Thông tư số 03/2011/BKHĐT sẽ là kim chỉ nam để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu.

Điều kiện cần thứ ba là, tính đến thời điểm này, Dự án đã có số lượng liên danh xin đăng ký đầu tư lớn hơn một - điều kiện quan trọng nhất để một cuộc đấu thầu tuyển chọn có thể diễn ra.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện đã có 2 liên danh nhà đầu tư xin đầu tư Dự án là Liên danh Tổng công ty miền Trung - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8)- Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Thịnh và Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - Công ty cổ phần Xây dựng thương mại 591. Trong số này, Liên danh Tổng công ty miền Trung - Cienco8 - CII đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẳng định là có đủ năng lực đầu tư đối với Dự án Xây dựng hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng.

Ngoài 2 liên danh nhà đầu tư này, về nguyên tắc, Bộ Giao thông - Vận tải vẫn đang mở rộng cửa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khác tham dự tuyển chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh, bình đẳng.

"Bộ Giao thông - Vận tải đặt nhiều kỳ vọng vào Dự án này như là một hướng đột phá quan trọng trong quá trình vận động, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách vào các dự án hạ tầng giao thông. Thông qua đấu thầu một cách minh bạch, Dự án sẽ được trao cho nhà đầu tư có tiềm lực nhất, chào giá hợp lý nhất", Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho biết

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư