Top

Khi ngân hàng bảo lãnh bất động sản

Cập nhật 22/09/2015 08:37

Việc các NHTM tham gia bảo lãnh dự án là tín hiệu rất tích cực đối với người mua nhà.


Ảnh minh họa

Khi NH chưa tham gia bảo lãnh BĐS thì việc chủ đầu tư giao nhà chậm cho khách hàng gần như không có hướng giải quyết. Có nhiều dự án giao nhà chậm kéo dài đến 5-7 năm, số tiền góp mua nhà nếu tính phương án gửi lãi suất, tiền lãi có khi lên tới 1-2 tỷ đồng. Ngược lại, với những người vay mượn tiền NH để góp vốn thì tiền lãi phải trả cũng ở mức tương đương.

Thông tin một số NHTM đồng lòng tham gia bảo lãnh BĐS với nhiều hạng mục, trong đó có hạng mục theo dõi tiến độ xây dựng của chủ đầu tư nhiều người khấp khởi mừng. Bởi từ nay, họ có quyền kỳ vọng chủ đầu tư sẽ chấm dứt tình trạng thâm dụng vốn góp của người dân đem làm chuyện khác, còn dự án thì “ngâm”. Với người mua nhà, sẽ không quá nếu họ kỳ vọng vai trò của NH hiện hữu sẽ giải quyết được câu chuyện lãi suất vay mua nhà, thậm chí, tính đến chuyện NH sẽ trả lãi suất nếu việc chậm giao nhà xảy ra…

Chị Hoài Nam, một người mua nhà ở TP. Hồ Chí Minh cho biết cách đây 3 năm, chị đã đóng xong 95% số tiền phải đóng cho căn hộ ở Petrovietnam Landmark (Quận 2) nhưng đến nay vẫn không được nhận nhà. Việc chậm giao nhà nếu tính theo lãi suất NH chị phải vay thì số tiền lãi phải đóng lên tới 300 triệu đồng. Thiệt hại này với người mua nhà Petrovietnam Landmark không biết phải kêu ai vì chủ đầu tư đã bỏ trốn. “Chúng tôi đang hy vọng có một NH nào đó đứng ra mua lại dự án hoặc bảo lãnh dự án để chủ đầu tư có tiền hoàn tất dự án, giao nhà cho người dân”, chị Nam nói.

Thực tế, trường hợp của chị Nam còn may mắn hơn rất nhiều người mua ở những tòa chưa triển khai thì khả năng thu hồi vốn còn mờ mịt hơn vì hiện nay chủ đầu tư đã gần như kiệt sức. Khi trao đổi với một số lãnh đạo NH có tham gia bảo lãnh dự án, đều thừa nhận rằng đến nay chính NH cũng phải cực kỳ cảnh giác đối với việc cho vay đầu tư. Bởi, nếu chọn nhầm chủ đầu tư không uy tín, chính NH cũng phải gánh chịu hậu quả mất vốn chứ không nói gì đến người dân.

Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank nói rằng, chưa tính đến chuyện NH có trả lãi suất cho người dân khi chủ đầu tư chậm tiến độ hay không. Nhưng điều chắc chắn là nếu NH đã tham gia bảo lãnh dự án BĐS thì việc giao nhà chậm sẽ khó xảy ra. Bởi NH đã tính toán rất kỹ dòng tiền cho chủ đầu tư vay, buộc chủ đầu tư phải dùng tiền vay NH để xây dựng dự án.

Cụ thể, chủ đầu tư có 20 đồng xây dựng ban đầu, NH cho chủ đầu tư vay 80 đồng. Trong đó, NH sẽ giải ngân cho chủ đầu tư 40 đồng theo tiến độ xây dựng, còn lại 40 đồng NH sẽ giải ngân theo nhu cầu vay của người mua nhà và đối tác của chủ đầu tư. “Với quy trình khép kín trong việc giải ngân, chủ đầu tư không thể dùng tiền vay NH đi đầu tư các loại hình khác”, ông Nhung khẳng định.

Cùng quan điểm, lãnh đạo của Nam A Bank cho biết, với những dự án đang xây dựng thiếu vốn cần NH tài trợ, NH sẽ xem xét cho vay đối với chủ đầu tư đủ điều kiện NH đặt ra. Và khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho người mua nhà như đúng cam kết, trường hợp người mua nhà cần lấy lại tiền thì NH đã nhận bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại tiền cho người mua. “Theo đó, khách hàng hoàn toàn yên tâm đi mua nhà ở, không còn chịu thiệt thòi khi nhiều chủ đầu tư không giao nhà đúng tiến độ”, vị này khẳng định.

Quả thực, việc các NHTM tham gia bảo lãnh dự án là tín hiệu rất tích cực đối với người mua nhà. Bởi với những quy định mới theo Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh NH thì mới được bán, hoặc cho thuê mua sản phẩm. Điều này chứng tỏ tất cả các dự án xây dựng tới đây đều phải chịu sự bảo lãnh của NH.

Có điều, giới chuyên môn khuyên rằng, để hạn chế tuyệt đối rủi ro, người mua nhà nên tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư trước khi mua dự án. Bởi có không ít trường hợp chủ đầu tư đang có mối quan hệ với NH nhưng đó là khách hàng “chầy” của NH, thành ra độ tín nhiệm không cao. Ngược lại, khi mua nhà mà chủ đầu tư nói là không có NH bảo lãnh thì người mua cũng nên xem xét lại. Bởi, chỉ khi nào dự án có bảo lãnh của NH, quyền lợi của người mua nhà mới được bảo vệ…

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng