Top

Hà Nội kêu gọi đầu tư 316.800 tỉ đồng để xây lại chung cư cũ

Cập nhật 10/06/2016 15:34

UBND Thành phố Hà Nội vừa công bố danh mục các dự án thu hút đầu tư năm 2016 (đợt 1), trong đó thành phố kêu gọi đầu tư 43 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 372.250 tỉ đồng. Riêng 10 dự án kêu gọi nhà đầu tư lập quy hoạch, xây dựng, cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ đã cần đến 316.800 tỉ đồng.

Hà Nội cần hơn 316.000 tỉ đồng để xây dựng lại 10 khu chung cư. Hình minh họa: Vân Ly

10/42 chung cư cũ được gọi vốn đầu tư

Cụ thể, Hà Nội kêu gọi đầu tư để cải tạo xây mới 10 khu chung cư (tập thể) cũ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng sau vài chục năm sử dụng, nằm tại các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai.

Trong số này, quận Đống Đa có 4 khu, gồm khu chung cư Khương Thượng, có diện tích 3,2 hécta và vốn đầu tư 6.000 tỉ đồng; khu chung cư Vĩnh Hồ, diện tích 5,3 hécta và vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng; chung cư Kim Liên, diện tích hơn 41 hécta, vốn đầu tư 42.600 tỉ đồng; chung cư Trung Tự và khu vực lân cận với tổng diện tích gần 20 héc ta và vốn đầu tư dự kiến 32.4000 tỉ đồng.

Có 3 khu chung cư cũ thuộc quận Ba Đình gồm khu chung cư Ngọc Khánh có diện tích 24 hécta và vốn đầu tư 47.000 tỉ đồng; khu chung cư Giảng Võ có diện tích hơn 28 hécta và vốn đầu tư 30.000 tỉ đồng; và khu chung cư Thành Công có diện tích 23 hécta với vốn đầu tư 44.000 tỉ đồng.

Ba khu chung cư còn lại gồm khu chung cư Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, có quy mô 17,4 hécta với mức đầu tư dự kiến 29.000 tỉ đồng; khu chung cư Tân Mai thuộc quận Hoàng Mai với diện tích 18,7 hécta và mức đầu tư 32.000 tỉ đồng; chung cư Nghĩa Tân ở Quận Cầu Giấy với diện tích gần 32 hécta và tổng đầu tư dự kiến 42.800 tỉ đồng.

Trước khi gọi vốn cho 10 dự án nêu trên, cuối tháng 2 vừa qua, Hà Nội đã công bố danh sách 42 chung cư ở 5 quận, huyện nằm trong tình trạng nguy hiểm có nguy cơ đổ, sập... Những chung cư cũ này chủ yếu được xây trước những năm 1980. Như vậy, trong danh mục kêu gọi đầu tư mới chỉ có 10/42 dự án chung cư cũ được kêu gọi xây dựng.

Nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác

Ngoài 10 dự án xây dựng chung cư cũ, còn 33 dự án được kêu gọi đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực khác.

Trong đó, có 11 dự án kêu gọi đầu tư công viên với tổng số vốn đầu tư kêu gọi là 36.800 tỉ đồng. Đáng chú ý là Công viên thể thao giải trí, du lịch sinh thái tại huyện Thanh Trì với diện tích 707 hécta (trong đó diện tích mặt nước 226 hécta) với tổng đầu tư 12.000 tỉ đồng.

Dự án kêu gọi đầu tư công viên có vốn lớn thứ 2 là khu công viên dịch vụ du lịch giải trí Đồng Mô (Sơn Tây) với diện tích 264 hécta và vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng; sau đó đến dự án công viên giải trí tiêu chuẩn quốc tế tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông với diện tích 96 hécta và tổng vốn đầu tư 4.800 tỉ đồng; và công viên chuyên đề theo trục đường Hà Nội – Hải Phòng thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, Long Biên với diện tích 200 hec-ta và vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong các dự án Hà Nội kêu gọi đầu tư, có hai dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, gồm khu ươm trồng hoa lan công nghệ cao kết hợp với du lịch tai xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn với số vốn đầu tư 350 tỉ đồng; và khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thuộc xã Thanh Xuân và xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn với tổng vốn đầu tư dự kiến 150 tỉ đồng.

Hà Nội cũng kêu gọi đầu tư ba khu, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư 4.600 tỉ đồng, trong đó khu công nghiệp công nghệ cao tại Đông An chiếm số vốn đầu tư tới 4.400 tỉ đồng; sau đó đến hai cụm công nghiệp tại huyện Phú Xuyên gồm Phú Túc (đầu tư 111 tỉ đồng) và Đại Thắng (91 tỉ đồng).

Cùng lúc đó, Hà Nội còn kêu gọi đầu tư vào 5 dự án bãi đỗ xe với tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, trong đó có bãi đỗ xe tại phần không gian ngầm tại số 295 Lê Duẩn, quận Đống Đa; bãi đỗ tại Quảng Trường 19-8; và bãi đỗ xe ngầm tại sân vận động Quần Ngựa.

Trong danh mục còn có bảy dự án kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm thương mại với tổng đầu tư 9.450 tỉ đồng, và năm dự án dịch vụ, thương mại với tổng đầu tư gần 1.100 tỉ đồng.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG