Top

Hà Nội: Chủ động tạo quỹ đất "sạch" cho nhà đầu tư

Cập nhật 15/09/2010 17:05


Chủ động trong GPMB sẽ tăng hiệu quả đầu tư. Ảnh minh họa.
Việc Hà Nội dự kiến dành 5.000 tỷ đồng để lập Quỹ phát triển đất sẽ là điều kiện thuận lợi trong việc chủ động tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư, đồng thời cũng tạo ra "cơ chế mồi" để gia tăng lợi ích ở lĩnh vực khác.

TP Hà Nội đang có kế hoạch thành lập Quỹ Phát triển đất TP để lo việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với số vốn ngân sách cấp cho Quỹ trong giai đoạn 2010 - 2015 tới 5.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí cấp cho Quỹ ngay khi thành lập (trong năm 2010) là 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban giải phóng mặt bằng TP Hà Nội (GPMB), chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, với 1.318 ha đất thu hồi, việc chi trả GPMB và bố trí tái định cư là trên 7.000 tỷ đồng. Con số này vừa chứng tỏ tiến độ GPMB tại các công trình trọng điểm, vốn được xem là khâu khó khăn nhất cho địa phương, là khá nhanh, nhưng cũng cho thấy áp lực lớn trong việc tìm đồng vốn tạo đất “sạch” cho nhà đầu tư.

Tạo nguồn vốn cho GPMB

Trong tờ trình gửi UBND TP Hà Nội, Sở Nội vụ, cơ quan tham vấn cho Hà Nội về việc thành lập Quỹ phát triển đất TP đã khẳng định sự cần thiết cần lập ngay quỹ đất trên.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ, ông Lưu Tiến Định cho biết, Luật Đất đai 2003 đã quy định việc Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được thực hiện thông qua phương thức đấu giá là chủ yếu, việc giao đất trực tiếp cho nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thì chỉ thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, việc giao đất hay cho thuê đất theo hình thức đấu giá gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là Nhà nước thiếu nguồn vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những đối tượng bị thu hồi đất theo quy hoạch, dẫn tới việc không có quỹ đất “sạch” để đấu giá.

Chính vì lý do trên, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất: "Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh được trích từ 30-50% nguồn thu hàng năm từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất để lập quỹ phát triển đất". Quy định này đã mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư tìm nguồn đất “sạch” có sẵn và có ý nghĩa trực tiếp đối với địa phương trong việc tập trung một nguồn vốn đủ lớn cho GPMB, tạo quỹ đất để phát triển kinh tế xã hội theo quy hoạch và hỗ trợ thực hiện một số chính sách do Nhà nước quy định đối với đối tượng bị thu hồi đất.

Vì thế, Quỹ phát triển đất TP với 5.000 tỷ đồng khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu GPMB. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vì thế sẽ được tiến hành kịp thời.

"Việc này sẽ không liên quan trực tiếp đến một nhà đầu tư cụ thể nào. Nhà đầu tư khi muốn sử dụng đất thì phải tham gia đấu giá và trả tiền sử dụng đất, thuê đất cho TP theo giá thị trường. Nhà đầu tư cũng không phải trực tiếp thỏa thuận với người dân nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thu hồi đất và nhà đầu tư", ông Lưu Tiến Định cho biết.

“Cơ chế mồi” cho các lĩnh vực khác

Theo ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban GPMB TP Hà Nội, người đã có 20 năm làm công tác GPMB, khi chưa có đất “sạch”, doanh nghiệp phải ứng vốn để thực hiện GPMB. Tuy số tiền nói trên được trừ vào tiền thuê đất nhưng nếu có được mặt bằng “sạch” sớm hơn để cho thuê và giá thuê được tính theo giá thị trường, chắc chắn tiền thu về cho ngân sách sẽ hiệu quả.

Cũng theo ông Biền, trước đây nguồn ngân sách phục vụ công tác GPMB được chuyển qua Quỹ đầu tư phát triển TP hoặc chuyển ngay xuống quận, huyện có dự án. Tuy nhiên, chỉ khi Quỹ phát triển đất TP ra đời và đi vào vận hành thì đồng vốn chi cho công tác GPMB sẽ chủ động hơn.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, nếu Hà Nội trích đủ từ 30-50% nguồn thu hàng năm từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền đấu giá quyền sử dụng thì số vốn của quỹ còn lớn hơn nhiều lần con số 5.000 tỷ đồng. Nhưng điều quan trọng hơn là đằng sau đồng vốn trên, Hà Nội sẽ tạo ra được "cơ chế mồi" để gia tăng lợi ích ở các lĩnh vực khác.

Chẳng hạn, ở phương diện thị trường, tiền từ quỹ sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực đấu giá, cũng có nghĩa là làm cho giá trị đất đó tăng cao. Mặt khác, theo ông Lưu Tiến Định, Quỹ phát triển đất đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư có năng lực đều được tiếp cận việc sử dụng đất “sạch”, tạo sự công khai minh bạch trong thị trường bất động sản, góp phần đưa công tác quản lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản vào nền nếp, nhà đầu tư phát huy được hiệu quả của nguồn vốn nhanh hơn do không phải chờ đợi GPMB.

Việc thành lập Quỹ xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhưng để Quỹ hoạt động hiệu quả cao thì cơ chế quản lý và bảo toàn nguồn vốn do ngân sách cấp là vấn đề cần đặt ra.

Sở Nội vụ tham vấn, về cơ cấu tổ chức, Quỹ cần có một hội đồng quản lý với các thành viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan như Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Chỉ đạo GPMB TP…

Còn theo ông Nguyễn Đức Biền, hiện nay Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội đang thực hiện việc tiếp nhận vốn ngân sách của TP. Đối tượng đầu tư trực tiếp là các dự án kết cấu hạ tầng, nhà ở. Do đó, để tránh chồng chéo chức năng giữa 2 loại quỹ này thì cần có các quy định về chuyển tiếp.

Ví dụ, đối với các dự án GPMB tạo quỹ đất “sạch” phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội năm 2010; các dự án phục vụ GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất và làng nghề năm 2010 mà Quỹ đầu tư phát triển TP chưa tiến hành thanh toán, giải ngân thì bàn giao hồ sơ để Quỹ phát triển đất thực hiện theo quy định.

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ