Top

Giới đầu tư bất động sản TP.HCM rút khỏi thị trường Hà Nội

Cập nhật 10/09/2019 15:15

Trước giai đoạn khủng hoảng 2010-2013, giá nhà Hà Nội cao hơn so với TP.HCM và đổ tiền vào bất động sản Hà Nội là kênh 'hốt bạc' của giới đầu tư.

Những năm gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội ngày càng kém hấp dẫn hơn so với TP.HCM

Thế nhưng những năm gần đây, Hà Nội đang là thị trường bất động sản kém hấp dẫn so với TP.HCM. Những nhà đầu tư Sài Gòn từng "ngược dòng" Bắc tiến với kỳ vọng lợi nhuận cao nay đều ngán ngẩm và tìm cách rút vốn khỏi thị trường này.

Khoảng 4 năm trước, nhà đầu tư Huỳnh Văn Dũng (quận 5, TP.HCM) bay ra Hà Nội, xuống tiền với 5 căn hộ cao cấp. Đó là thời kỳ Hà Nội nói riêng và thị trường bất động sản cả nước nói chung vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng, bắt đầu có sự khởi sắc.

Giai đoạn trước khủng hoảng, những năm 2004-2007, việc đầu tư căn hộ hay đất nền Hà Nội mang lại lợi nhuận lớn cho giới đầu tư. Đó là lý do sau cuộc khủng hoảng, ông Dũng quyết định "phiêu lưu" thị trường này với niềm tin kịch bản trước đó sẽ lặp lại.

Ý định ban đầu của ông Dũng là lướt sóng hưởng chênh nhưng khi lợi nhuận của việc lướt sóng không được như kì vọng, ông chuyển sang cho thuê.

Thời gian đầu, giá thuê mỗi căn hộ cao cấp đạt từ 16-22 triệu đồng/tháng. Nhưng chỉ chưa đầy 1 năm, giá thuê bắt đầu giảm dần khi những tòa nhà khác trong dự án dần hoàn thiện và nguồn cung gia tăng từ những dự án lân cận.

Vào năm 2018, giá thuê căn hộ cao cấp của ông Dũng rớt mạnh, chỉ còn đạt 12-17 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một căn hộ cao cấp khác thuộc quận trung tâm bậc nhất TP.HCM của ông, giá thuê tăng đều qua các năm.

Hiện mức giá ông thu về hàng tháng từ việc cho thuê với căn hộ ở TP.HCM là 22 triệu đồng/tháng.

Tương tự, 3 năm trước, bà Lương Yến Nhi (quận 7, TP.HCM) cũng kỳ vọng vào lợi nhuận của thị trường Hà Nội như giai đoạn trước khủng hoảng, đã đem tiền mua 3 lô đất thuộc 1 dự án đất nền ở Hà Đông (Hà Nội).

Sau hơn 3 năm, vào tháng 5 vừa qua, bà giao dịch 3 lô đất với mức tăng giá 20% so với thời điểm mua vào.

Bà Nhi không hài lòng với tỉ suất lợi nhuận này. Bởi lẽ, trong suốt hơn 3 năm qua, đất nền, đất thổ cư thuộc khu Đông, khu Tây TP.HCM liên tục nổi sóng.

Trong những cơn biến động giá, mức tăng có thể đạt 50-100% chỉ trong thời gian ngắn. Cùng số tiền đó, bà Nhi nhẩm tính nếu đem đổ vào đất nền Sài Gòn, có thể bà đã thắng lớn.

Số tiền "chôn" vào đất Hà Nội đã không mang lại lợi nhuận mong muốn nên vào năm ngoái, bà đã muốn đẩy hàng, rút tiền về. Tuy nhiên, do không được giá nên bà đành "găm" đất chờ thêm.

Đến tháng 5 vừa qua, do cần tiền, nhà đầu tư này đã quyết định đẩy hàng, chấp nhận lợi nhuận thấp so với kì vọng, rút vốn khỏi thị trường Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Đính - tổng thư kí Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - đánh giá Hà Nội và TP.HCM đều là những thị trường có nhu cầu phát triển bất động sản và sử dụng bất động sản lớn.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là thị trường bất động sản Hà Nội đang kém hấp dẫn hơn so với thị trường TP.HCM.

Tại Hà Nội, nhu cầu về nhà ở rất cao nhưng nhu cầu về đầu tư kinh doanh thì hạn chế. Do đó, giới đầu tư, đầu cơ không có nhiều cơ hội và cũng không mặn mà với thị trường này.

Ông Đính nêu ví dụ cụ thể, cho thuê căn hộ tại Hà Nội có khi giá thuê thu về chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng ở TP.HCM, giá thuê đạt được với căn hộ tương đương về vị trí, diện tích, tiện ích luôn cao hơn rất nhiều. Mức sinh lợi từ hoạt động kinh doanh hàng tháng tại TP.HCM tốt hơn hẳn.

Lý giải về điều này, theo ông Đính, những năm gần đây, các chỉ số phát triển, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đều tốt nhưng TP.HCM vẫn là trọng điểm, là đầu tàu, nơi phát triển kinh tế mạnh nhất cả nước. Và từ cái mạnh nhất này, nhu cầu mua ở và nhu cầu đầu tư của TP.HCM cũng cao hơn so với Hà Nội.

Hàng năm, TP.HCM chứng kiến sự gia nhập đông đảo của tầng lớp lao động đến từ mọi miền cả nước và lực lượng chuyên gia nước ngoài. Sự gia tăng mạnh mẽ này là nguyên nhân khiến nhu cầu ở và đầu tư tại TP.HCM cao hơn hẳn so với Hà Nội ở tất cả các phân khúc từ bình dân đến cao cấp.

Cũng theo ông Đính, giá cả là do thị trường quyết định. Chính bởi khả năng khai thác kinh doanh bất động sản của thị trường Hà Nội thấp cho nên giá bán và biến động giá không thể cao như TP.HCM. Do đó, cơ hội đầu tư, đầu cơ thấp, tất yếu giới đầu tư không mặn mà với Hà Nội.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ