Top

Gian nan giải quyết chung cư cũ

Cập nhật 14/11/2016 13:19

TPHCM hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, đã xuống cấp trầm trọng nhưng việc cải tạo, sửa chữa và đầu tư xây dựng mới còn nhiều khó khăn.

Xuống cấp nghiêm trọng

TPHCM sẽ xây dựng, cải tạo 50% chung cư cũ vào năm 2020. Trong ảnh, chung cư Cô Giang (quận 1) đang được tháo dỡ, xây dựng lại.  Ảnh: Thành Hoa

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ – thực trạng và giải pháp” do HĐND TPHCM tổ chức ngày 6-11 vừa qua, ông Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng tổ chức Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM, đánh giá đa phần các chung cư cũ tại thành phố đều đã xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Nghiêm trọng hơn, các chung cư này đều không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

“Các chung cư cũ được xây dựng trước khi có Luật PCCC và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC nên không đảm bảo an toàn. Nhiều chung cư không có lối thoát hiểm, không trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, không có phương án chữa cháy, cứu nạn và hệ thống điện câu mắc không đảm bảo an toàn về PCCC”, ông Tâm cho biết, và cảnh báo đây là điều hết sức nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ tại các chung cư này.

Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải cho biết, riêng quận 1 có 86 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Trong đó, có một số chung cư đã hư hỏng nặng, ngày càng trở nên nhếch nhác, bong vôi vữa, thép ban công hoen gỉ, cong gãy, mái tôn được che tạm bợ, thậm chí nhiều cột trụ trơ sắt.

Các chung cư cũ đang tồn tại nhiều tại các quận 5 với 206 chung cư, quận 10 với 40 chung cư. Hầu hết các chung cư này có diện tích nhỏ, tiện nghi thấp, hư hỏng, xuống cấp. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, thành phố hiện còn 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, với hơn 27.000 hộ dân sinh sống. Trong số các chung cư này, có 45 lô chung cư được kiểm định hư hỏng nặng, xuống cấp nghiêm trọng, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D – cấp độ nguy hiểm cao nhất.

Cần sự đồng thuận

Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, chương trình cải tạo chung cư cũ tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể thành công nếu đạt được ba yếu tố: sự quyết tâm của hệ thống chính trị thành phố cùng quận-huyện, sự đồng thuận của người dân và sự hưởng ứng tham gia của doanh nghiệp. Ngân sách nhà nước không đủ để đầu tư xây dựng 474 chung cư cũ. “Để người dân tin tưởng, đồng lòng cùng chính quyền và doanh nghiệp thì phải minh bạch, công khai các vấn đề liên quan đến cải tạo, sửa chữa, xây dựng chung cư cũ cho người dân hiểu”, ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nhìn nhận tiến độ cải tạo, xây dựng chung cư cũ hiện còn khá ì ạch, phần lớn lấy từ ngân sách thành phố, và không nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, điều khó khăn nhất là đạt được sự đồng thuận của người dân trong bồi thường giải phóng mặt bằng. “Phần lớn các căn hộ có diện tích nhỏ, tiền bồi thường thấp nên người dân không chịu, hoặc người dân không chấp nhận tái định cư chỗ khác. Có chung cư phải thương lượng với người dân trong 9, 10 năm làm chậm tiến độ”, ông Tuấn nói.

Hơn nữa, thủ tục đầu tư xây dựng các chung cư này lại mất quá nhiều thời gian, kéo dài 17-18 tháng. Việc đảm bảo các chỉ tiêu dân số, chiều cao công trình, chỉ tiêu quy hoạch… khắt khe khiến doanh nghiệp không dám đầu tư vào xây dựng chung cư cũ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng để đẩy nhanh tiến độ cải tạo thì phải giải quyết hai vấn đề: tổ chức tạm cư và chính sách tái định cư. “Phải điều tra xã hội học để xác định được mong muốn của người dân. Căn hộ tái định cư phải có diện tích tối thiểu 25 m2 theo chuẩn nhà ở xã hội. Như vậy người dân có căn hộ cũ với diện tích rất nhỏ, khi sang nhà tái định cư thì cũng không phải trả thêm tiền”, ông Châu nói

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban đô thị của HĐND TPHCM, cũng cùng quan điểm, cho rằng việc cần làm là phải giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, trong đó phải thông tin rõ ràng, minh bạch về các quyền lợi mà người dân được hưởng và các phương thức ổn định cuộc sống của người dân. “Các thông tin như hỗ trợ giá đối với phần diện tích dôi dư, điều kiện để hoạt động kinh doanh, sinh sống tại các chung cư mới, phương án tài chính, phương án tạm cư và ưu tiên tái định cư tại chỗ… cần được phổ biến tới người dân”, ông Kiên nêu quan điểm.

Người dân có sự lựa chọn

Cũng tại hội thảo trên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, yêu cầu phải đưa ra một gói chính sách có nhiều sự lựa chọn cho người dân, hoặc là tái định cư tại chỗ với diện tích lớn hơn, hoặc tái định cư chỗ khác nhưng chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng, để đẩy nhanh tiến độ, thành phố sẽ thực hiện phương thức tái định cư (tại chỗ hoặc nơi khác) đối với cư dân đang sinh sống tại các chung cư cũ. Căn hộ tái định cư có diện tích tối thiểu bằng 1,1 lần so với diện tích căn hộ cũ và người dân không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào. Trường hợp căn hộ được bố trí tái định cư có diện tích nhỏ hơn 25 m2 thì được bố trí căn hộ có diện tích tối thiểu là 25 m2 theo chuẩn nhà ở xã hội.

Theo Sở Xây dựng, người dân không có nhu cầu ở ở tại chung cư mới thì vẫn được quyền bán căn hộ tái định cư theo hình thức chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai. Còn nếu người dân muốn nhận tiền tại thời điểm di dời thì được thanh toán khoản tiền tương đương với giá trị căn hộ được tái định cư.

TPHCM sẽ ủy quyền cho quận, huyện thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM trong quá trình xây dựng, cải tạo chung cư cũ. Nhà đầu tư tham gia chương trình sẽ được nhà nước lựa chọn, có trách nhiệm ứng vốn để quận, huyện chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân; thực hiện đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho quận, huyện để tổ chức bố trí tái định cư tại chung cư xây dựng mới.

Mới đây, Sở Xây dựng đã công bố danh sách các nhà đầu tư muốn tham gia cải tạo chung cư cũ như Novaland, C.T Group, Phú Mỹ Hưng… Tuy nhiên, hầu hết những chung cư cũ mà doanh nghiệp muốn cải tạo đều nằm ở vị trí trung tâm như quận 1, 3, 5 và Bình Thạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo SGTT