Top

Dự án Việt, tên gọi Tây

Cập nhật 21/10/2013 10:02

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần thứ 4 mà Bộ Xây dựng mới công bố có quy định, tên của dự án phát triển nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt và không được viết tắt. Điều khoản này ngay lập tức gây ra tranh luận với những ý kiến trái chiều.

Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã kiên quyết bảo vệ lý lẽ của những người biên soạn Luật Nhà ở, khẳng định thực tế nhiều dự án tên nước ngoài gây phức tạp trong quản lý hành chính, mặt khác các nước ở gần ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đều dùng tên nước họ đặt cho các dự án bất động sản trên nước họ thì tại sao dự án nhà ở trên nước mình, làm cho dân mình ở lại cứ dùng tên nước ngoài?

Ảnh minh họa
Từ góc độ không đồng thuận, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phản biện rằng, hiện thị trường bất động sản Việt Nam không chỉ có các doanh nghiệp trong nước mà còn có rất nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước. Trong đó có những tập đoàn đa quốc gia, họ có những thương hiệu toàn cầu nên đâu thể bắt các nhà đầu tư qua đây phải dùng tiếng Việt để đặt tên cho dự án.

Phía ủng hộ hay phía không ủng hộ việc cấm đặt tên Tây cho sự án ta, đều đưa ra những lập luận khá rành rọt. Thế nhưng, chẳng lẽ chúng ta cứ mãi thờ ơ với xu hướng cao ốc mang tên nước ngoài gần như lấn át cao ốc tên Việt? Hết biệt thự liền kề Dragon City đến chung cư Botanic rồi lại đến khu dân cư Five Star… Theo thống kê chưa chính thức thì có khoảng 70% các dự án khởi công trong một thập niên qua được (hay... bị?) mang tên ngoại.

Phải chăng đặt tên nước ngoài để nhắm vào thị hiếu sính ngoại của một bộ phận cư dân?

Thật dở khóc dở cười khi nghe giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc tiết lộ, ban đầu công ty mang tên Việt và cũng định đặt tên Việt cho dự án, nhưng quan sát thấy căn hộ cao cấp có tên ngoại rất “sốt” nên quyết định đổi luôn tên công ty và tên dự án sang... tiếng nước ngoài!

Không khó khăn gì để xác định hai nguyên nhân khiến nhà đầu tư chọn tên ngoại để đặt cho dự án. Thứ nhất, doanh nghiệp muốn tạo sự chú ý để thu hút khách hàng vì không ít người nghĩ rằng dự án có “mác” ngoại thiết kế hiện đại, chất lượng cao hơn sản phẩm mang “mác” nội. Thứ hai, một số chủ đầu tư chưa đủ tự tin về thương hiệu, sản phẩm của công ty mình nên mượn tên ngoại đặt cho dự án, dù khách hàng hướng đến vẫn là người Việt Nam

Nếu luật hóa chuyện đặt tên dự án thì kể ra cũng hơi miễn cưỡng. Tuy nhiên, cả xã hội đang bày tỏ nguyện vọng “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thì nhà ở mang tên nước ngoài có phải là một sự ngược ngạo trớ trêu không?

Yếu tố văn hóa trong kinh doanh không thể xem thường! Cái tên đâu phải chỉ đặt cho có cái tên, mà còn chứng minh bản lĩnh của một đơn vị, một ngành nghề, một cộng đồng!

DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan